Giá vàng hôm nay 4/1, Giá vàng rớt thảm, bất chấp mọi lực cản, vàng sẽ lập đỉnh 2.000 USD?

Kỳ Văn
Giá vàng hôm nay 4/1 giảm mạnh. Đồng USD và chứng khoán đã gây ra một chút áp lực giảm đối với giá vàng. Vẫn rất nhiều người nhận định vàng đạt đỉnh 2.000 USD trong năm 2022. Vì sao?
Giá vàng hôm nay 4/1 abc
Giá vàng hôm nay 4/1 giảm mạnh. Vẫn rất nhiều người nhận định vàng đạt đỉnh 2.000 USD trong năm 2022. (Nguồn: Hindustan Times)

Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 4/1

Mở cửa giao dịch sáng 3/1, giá vàng SJC được các doanh nghiệp niêm yết tại 61,05 - 61,8 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với phiên liền trước. Biên độ chênh lệch giá mua - bán vàng SJC cũng được giãn rộng lên 750.000 đồng/lượng.

Cùng thời điểm, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên Kitco ở mức 1.830 USD/ounce, nhích nhẹ so với giá đóng cửa năm 2021.

Thị trường vàng châu Á tăng nhẹ trong phiên giao dịch 3/1 khi lợi suất trái phiếu Mỹ cao hơn bù đắp cho tâm lý mua vàng như một tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh số ca lây nhiễm Covid-19 do biến thể mới Omicron tăng nhanh trên toàn cầu.

Cụ thể, vào lúc 7h58 phút (theo giờ Việt Nam), giá vàng kỳ hạn Mỹ tăng 0,1% lên 1.830,30 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao ngay hầu như không đổi, đứng ở mức 1.830,09 USD/ounce, sau khi có lúc đã tăng lên mức cao nhất một tháng qua là 1.831,49 USD/ounce trong phiên trước đó.

Theo ghi nhận của TG&VN, đến 21h34’ ngày 3/1, giá vàng thế giới tại sàn giao dịch điện tử Kitco ở mức 1.805 - 1.806 USD/ounce, giảm 24,8 USD/ounce so với phiên trước đó.

Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên ngày 3/1:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 60,85 – 61,6 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 60,95 - 61,75 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 61,05 – 61,65 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 61,0 – 61,7 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 61,06 – 61,64 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 52,61 – 53,26 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 52,05 – 53,15 triệu đồng/lượng.

Vàng chịu áp lực từ đồng USD và chứng khoán

Giá vàng sụt giảm vào thứ Hai (3/1) khi lợi suất trái phiếu cao hơn và cổ phiếu tăng giá đã đè nặng lên sức hút là tài sản trú ẩn an toàn của vàng khi năm mới bắt đầu, đẩy giá kim loại quý xuống từ mức đỉnh 6 tuần đạt được trong phiên trước đó.

Vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.823,63 USD/ounce vào lúc 11h31 GMT, chạm mức cao nhất kể từ ngày 22/11 ở 1.831,62 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,1% xuống 1.826,40 USD.

Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết: “Giá vàng giảm có thể được thúc đẩy bởi tâm lý rủi ro tích cực khi thị trường chứng khoán đang tăng điểm”.

Ông Staunovo dự đoán lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng và lạm phát giảm trong suốt năm 2022 sẽ đè nặng lên vàng và dự báo giá vàng sẽ ở mức 1.650 USD vào cuối năm nay.

Kết thúc năm 2021, giá vàng giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm hằng năm lớn nhất kể từ năm 2015, trong bối cảnh các nền kinh tế bắt đầu phục hồi sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.

Mặc dù các ca nhiễm Covid-19 vẫn không ngừng tăng lên nhưng số ca tử vong và nhập viện do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 tương đối thấp đã khiến nhiều chính phủ tháo dỡ các biện pháp phong tỏa.

Nhà phân tích Peter Fertig của Quantitative Commodity Research cho rằng những ngày nghỉ lễ ở các nước châu Âu khiến khối lượng giao dịch thấp nên giá vàng có biến động trong phạm vi hẹp.

Trong khi đó, đồng USD tăng giá so với các đồng tiền chủ chốt trong rổ tiền tệ trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư chứng khoán tại châu Âu lạc quan khi thị trường cổ phiếu tăng điểm và lợi tức trái phiếu chính phủ cũng tăng.

Nhà phân tích độc lập Ross Norman cho biết: “Chúng tôi đã thấy đồng USD bắt đầu một năm mới với sự vững chắc và gây ra một chút áp lực giảm đối với giá vàng”.

Theo ông Norman, điều có vẻ đang kìm hãm thị trường vàng vẫn là các nhà đầu tư vật chất. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng điều này không đủ để đẩy các tổ chức vào các quỹ giao dịch trao đổi hoặc thị trường tương lai, nơi một số vụ thanh lý và mua lại khổng lồ đã diễn ra.

Trước đó, trong phiên giao dịch chính thức đầu tiên của năm 2022 (ngày 3/1), giá vàng từng có lúc bứt phá lên vùng 1.830 USD/ounce ở thị trường Á. Thị trường vàng đã kết thúc một năm 2021 đầy buồn tẻ sau hai lần tăng giá ấn tượng trước đó.

Nhà phân tích Tom McClellan cho rằng, vàng ít nhận được sự quan tâm của các quỹ giao dịch gắn với kim loại này hơn, dù đã giành được động lực trong các giao dịch gần đây. Các quỹ được đề cập là iShares Gold Trust và SPDR Gold Shares, hai kênh đầu tư vào vàng phổ biến nhất với nhà đầu tư.

Theo các nhà phân tích, hiện tại, yếu tố chi phối giá vàng là thị trường kỳ vọng Fed nâng lãi suất với góc nhìn “diều hâu” trong năm 2022.

Ngoài ra, Biên bản họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) và Bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ (NFP) vào ngày 7/1 tới sẽ cực kỳ quan trọng.

Riêng trong ngày đầu tuần 3/1, Chỉ số sản xuất PMI của Mỹ trong tháng 12/2021 là dữ liệu mang tính điều hướng thị trường hơn cả.

Theo khảo sát triển vọng hằng năm của Kitco News, phần lớn các nhà đầu tư trên Main Street kỳ vọng giá vàng sẽ đẩy lên mức cao kỷ lục mới vào năm 2022.

Theo đó, gần 3.000 người đã tham gia cuộc khảo sát trực tuyến thường niên của Kitco. Trong số đó có tới 1.605 người, chiếm 54%, dự báo giá vàng trên 2.000 USD/ounce.

Trong khi đó, 592 phiếu, tương đương 20%, cho rằng vàng sẽ giao dịch trong khoảng từ 1.900-2.000 USD.

Có 352 nhà đầu tư bán lẻ (12%) nhận thấy giá vàng đang giữ tương đối ổn định trong phạm vi hiện tại từ 1.800-1.900 USD.

Trong khi đó, 158 người, chiếm 5%, nhận thấy giá vàng giao dịch trong khoảng từ 1.700-1.800 USD.

Cũng theo khảo sát trên, 109 người, chiếm chưa tới 4%, dự báo giá vàng giao dịch trong khoảng từ 1.600-1.700 USD. 130 người (hơn 4%) lo ngại giá vàng rớt xuống dưới 1.600 USD/ounce.