Giá vàng hôm nay 2/7: Lỗ nặng sau nửa năm đầu tư, 'hầm trú ẩn' sao không còn an toàn?

Kỳ Văn
Dù đã có một phiên tăng vào cuối ngày hôm qua 1/7, thì kết thúc ngày giao dịch cuối cùng của Quý II/2021, giá vàng vẫn mất tới 184 USD/ounce (gần 10%) so với ngày đầu tiên của năm. Áp lực lạm phát chắc chắn được duy trì và không phải là tạm thời, đây là một trong những yếu tố chính tác động lên giá vàng tương lai.
Giá vàng hôm nay 2/7: Vàng chịu lỗ nặng sau nửa năm, 'hầm trú ẩn' sao không còn an toàn?
Giá vàng hôm nay 2/7, trên sàn giao dịch Kitco đang có một phiên tăng 0,24% (tương đương 4,2 USD) so với phiên liền trước, giao dịch tại 1.775,4 USD/ounce. (Nguồn: Coinweek)

Cập nhật giá vàng hôm nay 2/7

Ngày đầu tiên của tháng 7, giá vàng lấy lại đà tăng, mặc dù mức tăng chỉ mới mang yếu tố duy trì. Giá vàng tăng trở lại vì lo ngại về biến thể dễ lây nhiễm Delta của virus gây bệnh Covid-19 có thể thúc đẩy nhu cầu đối với tài sản an toàn, khi các ca lây nhiễm dịch bệnh đang có xu hướng tăng trở lại ở nhiều châu lục. Nói cách khác, sự lây lan của biến thể Delta trên toàn cầu đang hỗ trợ giá vàng.

Ngoài ra, theo các phân tích, giá vàng thế giới tăng nhẹ là do lực mua vào tăng nhanh sau khi vàng rớt xuống mức thấp nhất 2,5 tháng qua. Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ giảm và USD ngừng tăng giá cũng hỗ trợ tích cực cho giá vàng.

Tuy nhiên, mức tăng của vàng vẫn đang bị hạn chế do tâm lý lo ngại của nhà đầu tư khi tại cuộc họp chính sách tháng 6 cách đây nửa tháng, Fed cho biết, có thể sẽ có hai đợt tăng lãi suất trước khi kết thúc năm 2023, sớm hơn một năm so với dự kiến trước đó.

Lãi suất tăng chính là "khắc tinh" của giá vàng và nhà đầu tư sẽ nhanh chóng rời khỏi hầm trú ẩn để chuyển vốn sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán, tiền ảo. Việc Fed tăng lãi suất sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng, theo đó làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý, theo Reuters.

Ghi nhận của TG&VN vào 0h50 ngày 2/7, giá vàng thế giới trên sàn giao dịch Kitco đang có một phiên tăng 0,24% (tương đương 4,2 USD) so với phiên liền trước, giao dịch tại 1.775,4 USD/ounce.

Trong khi đó, tại thị trường trong nước, chốt phiên cuối ngày 1/7, giá vàng SJC tăng trong khoảng 10.000 - 100.000 đồng/lượng tại một số hệ thống kinh doanh. Tại TP. Hồ Chí Minh, Công ty VBĐQ Sài Gòn ghi nhận đà tăng của giá vàng SJC cuối phiên tạm chững lại sau khi tăng 50.000 đồng/lượng trong phiên giao dịch đầu giờ sáng nay, hiện niêm yết tại 56,30 - 56,90 triệu đồng/lượng.

Tại Hà Nội, Bảo tín Minh Châu điều chỉnh giá vàng SJC cuối phiên biến động trái chiều, trong khi chiều mua giảm 20.000 đồng/lượng thì chiều bán tăng 10.000 đồng/lượng, niêm yết tại 56,44 - 56,86 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long cũng điều chỉnh nhẹ vàniêm yết tại 51,18 - 51,78 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 50,45 - 51,55 triệu đồng/lượng.

Vàng chịu lỗ to?

Ngày giao dịch cuối cùng của nửa đầu năm 2021 đã kết thúc, rõ ràng là vàng đã gặp khó khăn khi phải chịu giá thấp hơn trong 6 tháng vừa qua.

Vào ngày giao dịch đầu tiên của tháng 1, hợp đồng vàng tương lai đã mở cửa ở 1.954 USD/ounce. Nhưng tại phiên đóng cửa ngày giao dịch cuối cùng của quý II, giá vàng ở mức 1.770,6 USD/ounce, đã giảm 184 USD. Như vậy, vàng đã mất tới 9,416% giá trị trong nửa đầu năm 2021.

Những "sóng gió" từ sức mạnh của đồng USD, "chuyến bay" vào tiền điện tử trong quý đầu tiên của năm 2021, lợi suất cao hơn trong các công cụ nợ của Mỹ và một thị trường chứng khoán mạnh mẽ đều là những yếu tố góp phần làm giảm giá vàng trong nửa đầu năm nay.

Chỉ số USD được giao dịch ở mức 89,85 vào ngày giao dịch đầu tiên của năm 2021 và hiện đang được cố định ở mức 92,345, tăng 2,495 điểm trong nửa đầu năm 2021. Đây là mức tăng khoảng 1/2% về giá trị của đồng USD khi so sánh với rổ 6 loại tiền tệ chính.

Cả chỉ số NASDAQ Composite và Standard & Poor’s 500 đều đang rất mạnh, đóng cửa bằng hoặc gần mức kỷ lục vào cuối phiên giao dịch hôm qua. Chỉ số S&P 500 đóng cửa ở mức cao kỷ lục, còn NASDAQ đóng cửa thấp hơn một chút trong ngày sau khi đạt mức cao kỷ lục vào đầu tuần này. Theo dữ liệu của Dow Jones, ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều đã ghi nhận hiệu suất hai quý tốt nhất kể từ năm 2019.

Báo cáo sử dụng lao động quốc gia ADP cho thấy, 692.000 việc làm đã được bổ sung vào tháng 6. Trước đó, trong một cuộc thăm dò ý kiến, các nhà kinh tế đã dự báo rằng, sẽ chỉ khoảng 550.000 đến 600.000 việc làm mới được tạo ra. Như vậy, rõ ràng, con số thực tế đã cao hơn nhiều so với các dự báo kinh tế. Đồng thời, con số tháng 5 cũng đã được điều chỉnh xuống 886.000 việc làm từ con số ban đầu là 978.000. Khu vực dịch vụ là lĩnh vực nhận thêm nhiều việc làm mới với mức tăng là 624.000, trong đó các công việc sản xuất là 68.000.

Dự báo tỷ lệ thất nghiệp đang giảm từ 5,8% xuống 5,6%. Nếu xét với tỷ lệ thất nghiệp vào tháng 6/2020 là 11,1%, thì một phần lớn lực lượng lao động thất nghiệp Mỹ đã quay trở lại làm việc sau khi tìm được việc làm hiệu quả.

Tuy nhiên, không chỉ có vấn đề việc làm tại Mỹ đã gây áp lực khiến giá vàng giảm trong nửa đầu năm nay. Như đã đề cập ở phần trên, áp lực khiến vàng giảm giá còn là sự kết hợp của nhiều yếu tố cơ bản dẫn đến việc giá vàng giảm gần 10%. Khó có thể ước tính được điều gì sẽ xảy ra trong nửa cuối năm 2021. Nhưng có thể nói rằng, yếu tố chính và trọng tâm sẽ là áp lực lạm phát tăng nóng như thế nào.

Mặc dù CPI đã tăng lên mức lạm phát 5% và PCE hiện gần gấp đôi mức ủy nhiệm của Fed ở mức 3,9%, áp lực lạm phát chắc chắn có thể được duy trì và không phải là tạm thời vì Fed tiếp tục khẳng định họ sẽ làm như vậy.

Các nhà đầu tư hiện chờ đợi báo cáo bảng lương phi nông nghiệp Mỹ được công bố vào hôm nay (2/7) để tìm ra gợi ý cho bước tiếp theo của Fed.