Giá vàng hôm nay 16/6: Giá vàng tăng vọt, Fed 'xuống tay', kim loại quý sẽ đảo chiều? Chuyên gia thấy cơ hội từ vàng

Kỳ Văn
Nhờ sự suy yếu của đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ, giá vàng hôm nay 16/6 đảo chiều tăng vọt hơn 20 USD/ounce. Chuyên gia nhận định, giá vàng phục hồi trước phiên họp Fed, song sau đó, kim loại quý có thể tiếp tục xu hướng đi xuống.
Giá vàng hôm nay 16/6: (Nguồn: Kitco)
Giá vàng hôm nay 16/6 đảo chiều tăng mạnh. (Nguồn: Kitco)

Cập nhật giá vàng hôm nay 16/6

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương châu Âu(ECB) đang giữ vai trò trung tâm của thị trường, trong bối cảnh lạm phát giá có vấn đề có thể bắt đầu ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến thị trường tài chính toàn cầu.

Ngày 15/6, ECB tổ chức một cuộc họp bất thường, giữa lúc ngày càng nhiều nước thành viên Khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro (Eurozone) phải chịu áp lực tài chính gia tăng do lãi suất tăng.

Giá vàng thế giới bật tăng mạnh mẽ từ phiên giao dịch chiều 15/6 nhờ sự suy yếu của đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ rời khỏi mức đỉnh trong nhiều năm và chỉ số đồng USD giảm 0,4% đã hỗ trợ giá kim loại quý.

Đến 19h40 ngày 15/6, giá vàng thế giới trên sàn Kitco ghi nhận mức tăng 25,9 USD, giao dịch ở mức 1.834,4 - 1.835,4 USD/ounce.

Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, dự kiến sẽ công bố quyết định lãi suất trong ngày 15/6 (theo giờ địa phương)

Michael Langford, Giám đốc công ty cố vấn AirGuide, có trụ sở tại Mỹ nhận định, giá vàng phục hồi trước phiên họp Fed, song sau đó, kim loại quý có thể tiếp tục xu hướng đi xuống.

Theo tờ Wall Street Journal, một loạt báo cáo đáng lo ngại về tình trạng lạm phát trong những ngày gần đây có khả năng khiến các quan chức Fed xem xét việc tiếp tục tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm, mức tăng lớn hơn so với dự kiến, trong cuộc họp tuần này.

Các quan chức Fed trước đây đã báo hiệu rằng, họ sẵn sàng tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm trong tuần này và thêm một lần điều chỉnh nữa vào tháng 7/2022, nhưng các quan chức cũng cho biết các quyết định này phụ thuộc vào triển vọng của nền kinh tế.

Báo cáo lạm phát tuần trước của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 5/2022 đã tăng vượt dự tính, tăng 8,6%.

Trong nước, kết phiên giao dịch ngày 15/6, giá vàng SJC tại các đơn vị kinh doanh lớn giao dịch quanh ngưỡng 67,5 - 68,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Chốt phiên hôm qua (ngày 15/6), bảng giá vàng SJC niêm yết tại một số đơn vị kinh doanh lớn trên toàn quốc như sau:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 67,65 – 68,45 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 67,50 – 68,30 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 67,55 – 68,35 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 67,60 – 68,40 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 67,57 – 68,34 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 53,84 – 54,54 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 53,00 – 54,4 triệu đồng/lượng.

Thị trường vàng đang chịu áp lực

Thị trường vàng vẫn chịu áp lực bán đáng kể và có thể đang trên đường xuống dưới 1.800 USD/ounce khi thị trường kêu gọi Fed phải quyết liệt hơn nữa trong vấn đề lạm phát.

Fed đã bắt đầu cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài hai ngày vào ngày 14/6 và đang trên đà tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản. Tuy nhiên, số liệu của Bộ Lao động Mỹ công bố cuối tuần trước cho thấy, lạm phát hàng năm chạm mức cao nhất trong 40 năm khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức 8,6% vào tháng 5/2022.

Theo công cụ theo dõi lãi suất Fed Watch của CME Group, có 90,5% khả năng lãi suất sẽ tăng 75 điểm. Đây sẽ là lần đầu tiên Fed mạnh tay tăng lãi suất sau 27 năm.

Một số nhà phân tích đã nói rằng, điều này sẽ không tốt cho vàng trong ngắn hạn.

Lukman Otunuga, chuyên gia phân tích nghiên cứu cấp cao tại FXTM nhận định: “Vàng đã giảm gần 3% khi các nhà đầu tư cho rằng, lãi suất sẽ tăng 75 điểm cơ bản, sau khi Mỹ công bố số liệu lạm phát 'nóng bỏng' trong tháng 5/2022".

Ipek Ozkardeskaya, nhà phân tích cấp cao tại Ngân hàng Swissquote cũng lưu ý rằng, tài sản duy nhất thu hút các nhà đầu tư là đồng USD.

Vị chuyên gia này nói: "Trước quyết định của Fed, các nhà đầu tư muốn nắm giữ USD. Ngay cả những tài sản trú ẩn an toàn truyền thống cũng đang bị ảnh hưởng ở thời điểm này".

Cùng với USD, lợi suất trái phiếu tăng và lãi suất thực tế tăng cũng đang là những thách thức đối với kim loại quý.

Theo ông Ole Hansen, Trưởng bộ phận Chiến lược Hàng hóa tại Ngân hàng Saxo, nhìn vào bức tranh kỹ thuật của vàng, giá đang trên đà kiểm tra mức hỗ trợ 1.780 USD/ounce.

Ông Hansen nhấn mạnh: "Biểu đồ hàng tuần cho thấy, nếu mức hỗ trợ 1.780 USD/ounce bị phá vỡ, giá vàng có thể tìm đến mốc 1.670 USD/ounce. Để đảo ngược bức tranh giảm giá, cần phải giữ giá kim loại quý trên mốc 1.880 USD/ounce".

Khi nào kim loại quý chạm mức 5.000 USD/ounce?

Tuy nhiên, bất chấp bức tranh kỹ thuật đầy thách thức, vị chuyên gia này nhận thấy, vẫn có sự hỗ trợ cơ bản mạnh mẽ cho kim loại quý. Thị trường tài chính bất ổn, mối đe dọa lạm phát ngày càng tăng và rủi ro lạm phát đình trệ gia tăng sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vàng.

Các nhà phân tích khác cũng cho rằng, ngay cả khi giá vàng giảm, thị trường vẫn lành mạnh và giá thấp hơn có thể được coi là một cơ hội mua vào.

Các nhà phân tích tại Blue Line Futures nhấn mạnh: "Khi lạm phát hạ nhiệt và Fed có thể hạ lãi suất và đây sẽ là thời điểm vàng tỏa sáng".

Còn theo ông Rob McEwen, Chủ tịch kiêm Chủ sở hữu chính của McEwen Mining Corp: "Trong bối cảnh kinh tế bất ổn này, tôi nhìn thấy cơ hội từ vàng. Tôi dự đoán, giá kim loại quý sẽ chạm mức 5.000 USD/ounce trong hai đến ba năm tới".