Giá vàng hôm nay 14/6, Giá vàng lao dốc thẳng đứng, USD thể hiện quyền lực, vàng Nga lách trừng phạt, chênh lệch vàng SJC và thế giới thêm rộng

Kỳ Văn
Giá vàng hôm nay 14/6 giảm mạnh. Vàng bị ảnh hưởng bởi sức mạnh của đồng USD và lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ. Kết quả cuộc họp tháng 6 của Fed có thể là “chìa khóa” cho vàng. Sẽ không tránh khỏi một phản ứng bất ngờ đối với vàng và thị trường tiền tệ. Vàng Nga vẫn có lối đi riêng. SJC giảm thuận chiều.
Giá vàng hôm nay 14/6 abc
Giá vàng hôm nay 14/6, Giá vàng lao dốc thẳng đứng, USD thể hiện quyền lực, vàng Nga lách trừng phạt, chênh lệch vàng SJC và thế giới thêm rộng. (Nguồn: Getty Images)

Cập nhật diễn biến giá vàng hôm nay 14/6

Mở cửa phiên giao dịch 13/6, giá vàng trong nước được các công ty điều chỉnh giảm 300 nghìn đồng/lượng. Thời điểm 8 giờ 44 phút, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 68,45 - 69,37 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 300 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm trước.

Công ty cổ phần Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 68,45 - 69,25 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 100 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 300 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 68,45 - 69,35 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 200 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 150 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Trên thị trường châu Á, trong phiên giao dịch chiều 13/6, giá vàng giảm từ mức cao nhất một tháng qua ghi nhận trước đó trong phiên, khi số liệu lạm phát của Mỹ đã khiến lợi suất trái phiếu chính phủ của nước này tăng và làm giảm nhu cầu đối với vàng.

Vào lúc 14h32' theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,6% xuống 1.859,90 USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,6% và được giao dịch ở mức 1.864,40 USD/ounce.

Trước đó trong phiên này, giá vàng, vốn được xem là tài sản trú ẩn an toàn trong các thời kỳ khủng hoảng kinh tế, đã có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ ngày 9/5 là 1.877,05 USD/ounce. Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 9/5, từ đó làm giảm nhu cầu đối với vàng.

Theo ghi nhận của TG&VN, đến 20h31’ ngày 13/6, giá vàng thế giới tại sàn giao dịch điện tử Kitco ở mức 1.835,9 - 1.836,9 USD/ounce, giảm 36,3 USD/ounce so với phiên trước đó.

Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên chiều 13/6:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 67,75 – 68,65 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 67,4 – 68,4 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 67,65 – 68,45 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 67,9 – 68,7 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 67,66 – 68,43 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 54,21 – 54,91 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 53,4 – 54,8 triệu đồng/lượng.

Giá vàng giảm 1% khi lãi suất tăng hỗ trợ đồng USD

Giá vàng giảm 1% vào thứ Hai đầu tuần sau khi đồng USD mạnh lên và lợi tức kho bạc tăng khi dữ liệu cho thấy lạm phát gia tăng ở Mỹ thúc đẩy các đặt cược cho việc tăng lãi suất mạnh hơn từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Vàng giao ngay giảm 0,9% xuống 1.853,99 USD/ounce vào lúc 12h12 GMT, giảm từ mức cao nhất trong hơn một tháng là 1.877,05 USD đạt được trước đó.

Giá vàng giao sau của Mỹ cũng giảm 1% xuống 1.856,80 USD/ounce.

Dữ liệu được công bố vào thứ Sáu tuần trước cho thấy chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng nhanh trong tháng Năm, ở mức 8,6%, đánh dấu mức tăng hằng năm lớn nhất trong gần 41 năm.

Trong khi lo ngại lạm phát thường hỗ trợ vàng, việc tăng lãi suất dự kiến ​​để kìm chế tăng giá hàng hóa có xu hướng thúc đẩy đồng USD và giảm sức hấp dẫn của vàng vốn không sinh lời.

Carlo Alberto De Casa, nhà phân tích thị trường tại Kinesis, cho biết: “Vàng đang bị ảnh hưởng do sức mạnh của đồng USD. Nhưng thực tế là vàng tiếp tục giữ ở trên mức hỗ trợ kỹ thuật 1.850 USD/ounce sau khi phục hồi vào thứ Sáu cho thấy vẫn có sự quan tâm tốt từ các nhà đầu tư”.

Thứ 6 tuần trước đã diễn ra một phiên giao dịch đầy biến động, khiến vàng giảm xuống mức đáy gần một tháng trước khi tăng trở lại trong bối cảnh đầy lo ngại về tăng trưởng kinh tế.

Lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ và đồng USD tăng vọt, khiến vàng trở nên đắt hơn đối với người mua ở nước ngoài.

Kết quả cuộc họp tháng 6 của Fed có thể là “chìa khóa” cho vàng. Theo khảo sát, 80% nhà dầu tư cho rằng Fed sẽ tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm và 20% nhận định ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng 0,75%.

Nhà phân tích Rhona O'Connell của StoneX cho biết: "Gần như không thể tránh khỏi rằng sẽ có một phản ứng bất ngờ đối với vàng và thị trường tiền tệ, và sau đó thị trường sẽ có nhìn nhận dài hạn hơn. Về mặt cân bằng, các xu hướng ngược chiều đối với vàng đang mạnh hơn các xu hướng thuận chiều”.

Nhà phân tích Yohay Elam nhận định trên Kitco News, nếu Chủ tịch Fed Jerome Powell gây chấn động thị trường với mức tăng lãi suất 75 điểm cơ bản vào thứ Tư tới, điều này có thể thúc đẩy lợi suất ngắn hạn và giảm lợi suất dài hạn, hỗ trợ vàng.

Ngược lại, nếu Fed chỉ tăng 50 điểm cơ bản và không có cam kết tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 9 tới, lợi suất ngắn hạn sẽ giảm trong khi lãi suất dài hạn tăng lên. Việc này sẽ đè nặng lên kim loại quý.

Vàng Nga lách lệnh trừng phạt?

Một số công ty tinh luyện vàng lớn nhất trên thế giới báo cáo các vấn đề với việc tìm nguồn cung cấp nguyên liệu. Có một số nhà phân tích cho rằng vàng của Nga vẫn đang được thâm nhập vào hệ thống thông qua các con đường khác bất chấp lệnh trừng phạt. Có rất nhiều lệnh cấm vận thương mại chống lại Nga kể từ khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và tác động đáng kể đến một số nhà máy lọc dầu.

Theo một số nguồn tin, Tổ chức phi chính phủ Swissaid cho biết, nhập khẩu vàng của Thụy Sỹ từ Dubai vào tháng 3 đã tăng vọt. Việc này đặt ra câu hỏi về việc liệu vàng của Nga có đang tìm đường qua Dubai hay không?

Hãng tin Reuters cho biết, họ không tìm thấy bằng chứng về việc trên, nhưng Robin Kolvenbach, Giám đốc điều hành nhà máy luyện vàng Thụy Sỹ Argor-Heraeus lưu ý rằng: "Người ta có thể cho rằng vàng từ Nga cũng kết thúc trong chuỗi giá trị của phương Tây qua Dubai".

Kolvenbach cho biết, Argor-Heraeus đã không nhận vàng từ các chủ sở hữu có lợi của Nga kể từ ngày 24/2.

Berangere Ruchat, người đứng đầu ban phát triển bền vững của công ty chuyên kinh doanh các mặt hàng cao cấp Richemont cho biết: "Tôi nghe nói có những thách thức ở Dubai, chúng tôi không mua vàng từ đó".

Tuy nhiên, văn phòng truyền thông của chính quyền Dubai đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về phát ngôn trên.

Ông Ruchat cho biết Richemont sẽ có các công cụ và kinh nghiệm để tách biệt nguồn gốc của các nguyên liệu thô để biết chính xác nguồn gốc của tất cả vàng vào năm 2025.

Swatch Group, công ty cung cấp 94% vàng thông qua nhà máy lọc dầu nội bộ Varinor, nơi tập trung vào vàng tái chế có nguồn gốc công nghiệp hoặc đồ trang sức cũ từ Bắc Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản, nhưng không tiết lộ các nhà cung cấp. Công ty này cho biết trong báo cáo bền vững năm 2021 của họ rằng, họ tránh sử dụng vàng tái chế từ các nguồn bên ngoài do thiếu khả năng truy xuất nguồn gốc.

Laurent Maeder, giáo sư tại Trường quản lý bền vững SUMAS, cho biết, khai thác vàng là công việc khó khăn và nguy hiểm, sử dụng nhiều hóa chất. "Bạn không có vàng sạch hoặc kim cương sạch ngay cả khi chúng được dán nhãn công bằng".

Sẽ luôn khó để biết chính xác vàng được lấy từ đâu.