Giá vàng hôm nay 12/5: Giá cả leo thang, vàng tiếp tục chinh phục đỉnh cao?

Kỳ Văn
Giá vàng đang ở đỉnh cao 3 tháng và vẫn đang tiếp tục tăng khi USD suy yếu. Trong khi đó, giá nhiều loại hàng hóa khác được cho đang vào chu kỳ siêu tăng giá. Lo lắng về lạm phát đang trở thành yếu tố tích cực hỗ trợ giá vàng đi lên. Giá vàng SJC dù điều chỉnh vẫn neo trên ngưỡng 56 triệu đồng/lượng.
Giá vàng hôm nay 12/5: Giá cả leo thang, vàng có tiếp trục trở lại đỉnh cao?
Giá vàng thế giới vẫn duy trì và củng cố ở mức giá cao kéo dài từ cuối tuần trước. (Nguồn: Kitco)

Diễn biến giá vàng hôm nay 12/5

Đồng USD đã giảm xuống mức thấp nhất trong 2,5 tháng. Hiện tại, USD vẫn tiếp tục duy trì đà giảm, chỉ số USD - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền đối thủ khác trong rổ tiền tệ ngày hôm qua, có lúc giảm 0,14% xuống 90,065. Đồng USD giảm giúp vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác.

Trong khi đó, vàng đang đứng ở mức giá cao trong vòng 3 tháng trở lại đây, lại được hỗ trợ bởi nhiều tin tức mới. Chẳng hạn, yếu tố lạm phát, giá cả nhiều loại hàng hóa trên thị trường đang ở mức cao trong nhiều năm, lo lắng về lạm phát đang là một trong những yếu tố tích cực hỗ trợ vàng tăng giá.

Giới đầu tư đang chờ đợi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ, dự kiến được công bố vào thứ Tư (ngày 12/5, giờ Mỹ), để điều chỉnh áp lực lạm phát và lập trường chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Các dự báo cho rằng, CPI tháng 4 sẽ tăng 0,2% so với tháng 3 và tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc phá mốc 1.850 USD/ounce có thể là tín hiệu cho thấy các quỹ đầu cơ và các nhà quản lý tiền tệ đang chờ đợi để tăng định vị đầu cơ tăng giá của họ vào thị trường vàng. Một số nhà phân tích lưu ý, chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi các nhà đầu tư chuyển sang sử dụng vàng như một biện pháp phòng ngừa lạm phát vì Fed rồi sẽ phải sớm đưa ra các chính sách tiền tệ phù hợp.

Giá vàng SJC trong nước cuối phiên hôm qua (11/5) đảo chiều quay đầu giảm. Công ty VBĐQ Sài Gòn chi nhánh TP. Hồ Chí Minh điều chỉnh giảm 70.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với giá đầu phiên buổi sáng, hiện niêm yết tại 55,88 - 56,23 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Tại Hà Nội, hệ thống Bảo tín Minh Châu điều chỉnh giá vàng SJC giảm 40.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, so với giá phiên sáng, hiện niêm yết tại 55,98 - 56,27 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giảm nhẹ, niêm yết ở 52,36 - 52,96 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 51,70 - 52,80 triệu đồng/lượng

Giá vàng thế giới vẫn duy trì và củng cố ở mức giá cao kéo dài từ cuối tuần trước. Ghi nhận của TG&VN, lúc 0h15 ngày 12/5, trên sàn giao dịch điện tử Kitco, giá vàng giao ngay hiện được niêm yết ở mức 1.834,7 - 1.835,7 USD/ounce, điều chỉnh giảm nhẹ 1,3 USD so với phiên liền trước.

Theo chiến lược gia tiền tệ Ilya Spivak của DailyFX, ngưỡng kháng cự quan trọng của vàng là khoảng 1.855 - 1.875 USD/ounce, trong khi vùng hỗ trợ là khoảng 1.800 USD/ounce.

Giá vàng đang đi lên rất "khiêm tốn"

Đó là nhận định của nhà báo tài chính nổi tiếng, đồng thời cũng là nhà phân tích thị trường kỳ cựu Jim Wyckoff. Theo chuyên gia này, kim loại quý tiếp tục được hỗ trợ bởi đồng USD giảm, các loại giá cả đang gia tăng trên thị trường và sự chú ý nhiều hơn về triển vọng lạm phát. Thị trường chứng khoán toàn cầu hầu hết mất điểm.

Các chỉ báo kỹ thuật ngắn hạn đều cho thấy xu hướng tăng giá của kim loại quý đã thu hút các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ tuần qua vẫn tăng và dữ liệu việc làm mới của nước này ít hơn dự báo. Những dữ liệu này đã củng cố niềm tin của giới đầu tư rằng, với thị trường lao động vẫn gặp khó khăn, thì kinh tế Mỹ sẽ còn cần thêm nhiều thời gian hơn nữa để phục hồi vững chắc. Do đó, Fed có thể sẽ chưa vội tăng lãi suất.

Ngoài ra, Tổng thống Mỹ đang tiếp tục vận động Quốc hội sớm thông qua gói chi tiêu "khủng" tiếp theo, một trị giá 1.800 tỉ USD- dành cho giáo dục, chăm sóc và nghỉ phép có lương và mpptj gói trị giá 2.300 tỉ USD - đầu tư cơ sở hạ tầng để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước này. Chắc chắn diễn biến này sẽ tiếp tục góp phần làm gia tăng áp lực lạm phát, qua đó hỗ trợ tích cực cho giá vàng.

Giá cả leo thang bủa vây người Mỹ

Sau nhiều năm quen với lạm phát thấp, người Mỹ đang bắt đầu phải trả tiền nhiều hơn cho hàng hóa và dịch vụ khi nền kinh tế phục hồi. Giá các mặt hàng tiêu dùng từ thịt đến nước rửa chén đã tăng hai con số so với một năm trước. Từ trang thiết bị thiết yếu đến các sản phẩm cũng đang trở nên đắt đỏ hơn. Chi phí đang tăng lên ở từng khâu trong quá trình sản xuất nhiều loại hàng hóa đến vận tải tăng vọt, khiến nhiều người bắt đầu cảm nhận thấy sự căng thẳng.

Khi chi phí trong chuỗi cung ứng leo thang, nhiều công ty quyết định chính khách hàng sẽ phải chịu giá cả cao hơn. Kellogg, nhà sản xuất Frosted Flakes, Cheez-Its và Pringles, cho biết chi phí nguyên liệu, nhân công và vận chuyển cao hơn đang buộc họ và các nhà sản xuất thực phẩm khác phải tăng giá. "Chúng tôi chưa từng thấy kiểu lạm phát này trong nhiều năm", CEO Steve Cahillane cho biết.

Các nhà đầu tư và nhà kinh tế đang theo dõi liệu giá cao hơn có thúc đẩy các biện pháp kiểm soát lạm phát rộng hơn, vốn đã không cần dùng đến trong nhiều năm. Theo Bộ Lao động Mỹ, giá tiêu dùng tăng 2,6% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2021, mức tăng lớn nhất trong 12 tháng kể từ tháng 8/2018.

Warren Buffett, CEO Berkshire Hathaway cho biết trong cuộc họp thường niên của tập đoàn vào ngày 1/5 rằng, nền kinh tế Mỹ đang trải qua một đợt tăng giá đáng kể. "Giá hàng hóa của chúng tôi đang tăng, mọi người cũng đang tăng giá với chúng tôi và điều đó đang được chấp nhận", ông Buffett nói, "Nền kinh tế đang thực sự rất nóng và chúng tôi không mong đợi điều đó".

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, cuối tháng 4 rằng, áp lực lạm phát là do các vấn đề có thể là tạm thời của chuỗi cung ứng và sẽ không thúc đẩy ngân hàng trung ương thay đổi các chính sách nhằm giảm chi phí đi vay.