Giá cà phê hôm nay 27/6: Sụt giảm liên tiếp do áp lực nguồn cung; Đề án canh cây cà phê giai đoạn 2021-2025 có gì?

Kỳ Văn
USDA báo cáo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2022/2023 sẽ tăng 4,7% so với niên vụ trước lên 174,95 triệu bao, chủ yếu là do vụ mùa arabica của Brazil vào năm cho sản lượng cao theo chu kỳ “hai năm một”; đồng thời tồn kho cà phê toàn cầu cuối niên vụ sẽ tăng 6,3% lên 34,70 triệu bao.
null
Giá cà phê trong nước tiếp tục giảm 300 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm trong phiên cuối tuần qua. (Nguồn: doanhnhan.biz/)


Tuần qua, giá cà phê robusta tại London giao tháng 7/2022 giảm 38 USD/tấn; giá cà phê arabica giao tháng 7/2022 giảm 1,05 Cent/lb. Đây là tuần giảm thứ 2 liên tiếp của cà phê thế giới.

Giá cà phê hai sàn kỳ hạn đảo chiều sụt giảm sau áp lực từ báo cáo nguồn cung dồi dào của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã khiến đầu cơ vội vàng cắt giảm vị thế ròng hiện đang nắm. Góp thêm phần hỗ trợ cho xu hướng giảm là tỷ giá đồng Real của Brazil tiếp tục giảm xuống mức thấp 4 tháng rưỡi tiếp tục khuyến khích người Brazil đẩy mạnh bán xuất khẩu cà phê vụ mới hiện đang thu hoạch.

Giá cà phê chốt phiên giao dịch cuối tuần qua (ngày 24/6), giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London tiếp tục giảm mạnh, kỳ hạn giao tháng 7/2022 giảm 42 USD (2,03%), giao dịch tại 2.027 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 9/2022 giảm 42 USD (2,01%) giao dịch tại 2.044 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York kỳ hạn giao tháng 9/2022 cũng giảm mạnh 5,75 Cent (2,51%), giao dịch tại 223,25 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 12/2022 giảm 5,8 Cent/lb (2,55%), giao dịch tại 221,45 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình.

Đề án tái canh cà phê các tỉnh vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành đã cụ thể hóa và xác định được quy mô, địa bàn, lộ trình thực hiện tái canh, đi kèm với đó là hoàn thiện quy trình, sản xuất giống đáp ứng yêu cầu tái canh.

Theo Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025, mục tiêu cả nước trồng tái canh khoảng 75.000ha, ghép cải tạo 32.000ha. Trong đó 5 tỉnh vùng Tây Nguyên trồng tái canh 64.000ha, ghép cải tạo 27.000ha. Các tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Quảng Trị, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu trồng tái canh 11.000ha, ghép cải tạo 5.000ha. Năng suất bình quân sau khi trồng tái canh và ghép cải tạo ở thời kỳ kinh doanh ổn định đạt 3,5 tấn nhân/ha, thu nhập/ha tăng 1,5-2 lần.

Thông qua những đóng góp vào chương trình tái canh cà phê, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, Viện đã chọn tạo và chuyển giao các giống cà phê với đặc trưng giống riêng, từ đó bố trí cơ cấu giống phù hợp cho từng vùng, từng mục tiêu và từng giai đoạn canh tác phục vụ tái canh.

Đề xuất các giải pháp thực hiện tái canh trong thời gian tới, các địa phương được đề nghị, cần tiếp tục điều tra, khảo sát, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin tập trung vào: Diện tích cà phê cần tái canh, ghép cải tạo, nhu cầu về lượng, giống cà phê. Cần thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát chất lượng cây giống ở các cơ sở kinh doanh giống cây trồng; chú trọng đầu tư nâng cấp các hệ thống sản xuất cây giống, nghiên cứu chọn tạo giống, hướng dẫn người sản xuất áp dụng đồng bộ các khâu trong quy trình tạo giống được khuyến cáo để giảm thiểu rủi ro khi thực hiện tái canh cà phê.

Một số giải pháp khi triển khai Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025 đó là, hoàn thiện, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về giống cà phê; hỗ trợ, khuyến khích xây dựng chuỗi giá trị sản xuất cà phê bền vững gắn với hình thành các vùng sản xuất tập trung. Tăng cường đầu tư chế biến sâu để nâng cao chất lượng cà phê, đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất cà phê, kêu gọi đầu tư, chuyển giao công nghệ tiên tiến trong chế biến và bảo quản. Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, chế biến cà phê trong và ngoài nước…