FLC nhận 20 quyết định cưỡng chế thuế cùng một lúc

Tuyết Trang
Ngày 3/5/2024, Tập đoàn FLC (mã chứng khoán FLC) đã công bố thông tin về việc nhận cùng lúc 20 quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thuế của Cục thuế Tp.Hà Nội.

Điều này không mới, ngay đầu năm nay, FLC cũng vừa công bố Công ty đã nhận được các Quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế. Tổng số tiền bị cưỡng chế xấp xỉ 90 tỷ đồng - trong đó, có khoảng 61 tỷ đồng là thuế thu nhập doanh nghiệp, 14 tỷ đồng là thuế thu nhập cá nhân. Phần còn lại chủ yếu là tiền chậm nộp. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 29/12/2023 đến ngày 29/1/2024.

Cục Thuế Tp. Hà Nội cho biết sẽ cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của Tập đoàn FLC tại các ngân hàng. Trong trường hợp tài khoản còn ít hơn số tiền cưỡng chế, các ngân hàng vẫn phải trích số tiền còn lại sau khi trừ đi số dư tối thiểu để duy trì tài khoản và tiếp tục theo dõi để trích tiếp khi những tài khoản này phát sinh giao dịch có.

Trước đó, ngày 16/10/2023, Cục Thuế Tp.Hà Nội cũng ra quyết định cưỡng chế hơn 81,6 tỷ đồng tiền thuế đối với doanh nghiệp này vì lý do tương tự và quyết định này có hiệu lực từ ngày 9/10/2023 đến ngày 7/11/2023.

Tiếp theo ngày 08/1/2024, Công ty nhận được quyết định về việc điều chỉnh Quyết định áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn….

Về kinh doanh, FLC vừa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024. Tại đây, ban lãnh đạo FLC cho biết 2 năm 2022-2023 vừa qua là giai đoạn "vô cùng gian nan, thách thức" đối với tập đoàn khi phải trải qua rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động do bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các thông tin cũng như các vấn đề phát sinh có liên quan đến vụ án của ông Trịnh Văn Quyết.

Sau quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ, định biên nhân sự điều chỉnh giảm 60% nhân sự cơ hữu, số lượng cán bộ nhân viên hiện còn 3.500 người, tổng lương thưởng 2023 hơn 300 tỷ đồng; 50% phòng ban được sáp nhập. Hệ thống công ty thành viên, công ty liên kết bao gồm 14 công ty con (do FLC sở hữu từ trên 50% đến 100% vốn điều lệ) và 1 công ty liên kết.

Tập đoàn này định hướng năm nay vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc và định hình lại các lĩnh vực cốt lõi với 3 trụ cột chính: Kinh doanh bất động sản, kinh doanh nghỉ dưỡng và M&A các dự án để tái cấu trúc các khoản vay và duy trì hoạt động kinh doanh.

FLC lên kế hoạch năm 2024 như sau:

+ mảng kinh doanh bất động sản đạt doanh số 1.187 tỷ đồng để tiến hành thi công hoàn thiện các dự án theo cam kết với khách hàng.

+ mảng khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng, kế hoạch doanh thu 1.213 tỷ đồng, lợi nhuận đủ để duy trì bộ máy cũng như thực hiện các cam kết với các bên liên quan khác như cơ quan Nhà nước, khách hàng, ngân hàng.

Doanh nghiệp này cũng thay đổi trụ sở chính từ tòa nhà Bamboo Airways, số 265, đường Cầu Giấy (Hà Nội) về tầng 5, tòa nhà FLC Landmark Tower, đường Lê Đức Thọ. Việc thay đổi địa chỉ trụ sở chính được cho biết là một hoạt động nằm trong kế hoạch tái cơ cấu nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động kinh doanh, tiết giảm tối đa chi phí vận hành để tập trung nguồn lực cho các hoạt động đầu tư kinh doanh trong năm 2024.