EU hạn chế chất thải dệt may, doanh nghiệp Việt phải làm gì?

Admin
Ủy ban châu Âu đang đề xuất áp dụng chi phí trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất rộng khắp châu Âu đối với hàng may mặc. Quy định này sẽ gây ra sức ép rất lớn cho toàn bộ ngành dệt may không chỉ ở châu Âu mà cả những nước xuất khẩu sang châu Âu, trong đó có Việt Nam.

Theo ông Trần Ngọc Quân - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, hiện các loại thực phẩm, hàng hóa liên quan đến xanh, sạch, bền vững ngày càng được người tiêu dùng Bỉ và EU ưa chuộng. Các tiêu chuẩn về sản phẩm xanh sạch, đáp ứng quy định về môi trường đã được EU đã chuyển hướng thành văn bản pháp luật.

Các chương trình như Thỏa thuận xanh châu Âu, hay kinh tế tuần hoàn đang được pháp luật hóa các quy định từ xu hướng thị trường xanh, sạch, bền vững. Các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm nhiều hơn về lao động, môi trường. Những sản phẩm được sản xuất xanh, sạch, thân thiện với môi trường và bền vững ngày càng có vị trí trên thị trường EU.

Đối với các sản phẩm dệt may, qua việc theo dõi các doanh nghiệp (DN) thu mua ở Bỉ cho thấy, họ không chỉ đi tìm các nhà xuất khẩu đơn thuần để nhập hàng hóa. Thay vào đó, họ triển khai hình thức đồng hành cùng các DN sản xuất và xuất khẩu. Tức là DN thu mua tìm đến nguồn cung để cùng nhau bắt tay xây dựng một định hướng cho sản phẩm.

Quy định EPR của EU đòi hỏi doanh nghiệp xuất khẩu dệt may Việt Nam phải có các bước chuẩn bị để thích ứng.

Đáng chú ý, Ủy ban châu Âu (EC) đang đề xuất áp dụng chi phí trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) rộng khắp châu Âu đối với hàng may mặc. Đây chính là những điểm mà DN dệt may Việt Nam cần lưu ý để có biện pháp thích ứng.

Đề xuất áp dụng EPR được đưa ra trong bối cảnh chất thải dệt may của EU ngày càng nhiều. Hàng năm, người dân EU thải bỏ 5,8 triệu tấn hàng dệt may, trung bình khoảng 11,3kg/người. Số lượng hàng dệt may này phần lớn sẽ được đốt, chôn lấp hoặc xuất khẩu dưới dạng quần áo cũ.

Do đó, EU đã phát động chiến dịch thiết lập lại xu hướng, giải quyết tất cả tác nhân trong ngành may mặc, từ nhà thiết kế, thương hiệu, nhà bán lẻ đến người tiêu dùng cuối cùng và nhà sản xuất hàng may mặc trong và ngoài châu Âu.

Mục tiêu của chiến dịch là đến năm 2030, tất cả sản phẩm dệt may trên thị trường EU phải bền và có thể tái chế; làm bằng sợi tái chế càng nhiều càng tốt; không có chất độc hại và được sản xuất với sự quan tâm đến các quyền xã hội và môi trường. Tầm nhìn của chiến dịch cũng nêu rõ, vào năm 2030, các nhà sản xuất hàng may mặc phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về sản phẩm và chất thải của mình.

Với EPR, theo ông Quân, DN sản xuất dệt may sẽ đảm nhận trách nhiệm cho toàn bộ vòng đời của sản phẩm dệt may, đồng thời hỗ trợ sự quản lý bền vững chất thải dệt may sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm dệt may của Việt Nam.

Những quy định về pháp luật EPR thực ra sẽ gây ra một sức ép rất lớn cho toàn bộ ngành dệt may không chỉ ở châu Âu mà cả những nước xuất khẩu sang châu Âu. Yêu cầu tất cả các DN có sản phẩm phải bảo đảm giảm phát thải của sản phẩm dệt may xuống mức thấp nhất có thể. Bởi vì theo đánh giá của EU dệt may là 1 trong 4 lĩnh vực tạo ra rác thải lớn nhất trong EU.

Quy định EPR sẽ bảo đảm rằng các DN sẽ giảm bớt hàng thời trang ngắn hạn, giảm bớt chu trình áp dụng trong thời gian sản xuất - tiêu thụ và phá hủy. Thay vào đó, chuyển sang hình thức sản xuất và tiêu thụ bền vững hơn.

Và từ quy định EPR này, các DN của EU đã dần dần có những chuyển đổi nhất định. Đầu tiên, họ phải tập trung vào vật liệu, tạo ra những vật liệu có thể tái chế. Họ có thể đưa ra các yêu cầu đối với các nhà cung ứng và phải chấp nhận tham gia vào chu trình này.

Với DN Việt Nam, trong ngắn hạn, phải hạn chế tạo ra rác thải. Từng đơn hàng sẽ phải thích ứng với từng nhu cầu cụ thể của nhà nhập khẩu.

Về lâu dài, quy định này sẽ ảnh hưởng đến cách tiếp cận xuyên biên giới và hạn chế quyền tiếp cận thị trường của EU dưới thương hiệu dệt may của Việt Nam.

"Để bán được hàng dệt may dưới thương hiệu Việt, cần phải kết hợp cả một hệ thống từ thu mua phân phối, sửa chữa, bảo hành. Bên cạnh đó, EPR tạo ra sự ràng buộc nhất định yêu cầu tất cả các DN phải chuyển đổi sang sản xuất xanh, sạch. Chi phí chuyển đổi này tương đối tốn kém và đòi hỏi nhiều thời gian", ông Quân chia sẻ.

Do đó, các DN Việt Nam cần có sự chuẩn bị nhất định để có thể tiếp cận và duy trì thị trường dệt may tại EU. DN cần khám phá các cách sản xuất mới, tập trung vào những cách dễ dàng để tân trang, tháo dỡ hoặc tái chế quần áo. Có giải pháp thu hút người mua hàng tham gia vào quá trình này vì những chiến lược trên có thể sẽ liên quan đến việc sử dụng các vật liệu và phương pháp sản xuất tương đối đắt tiền...