Dòng vốn chuyển đổi nghề giúp người lao động vượt qua khó khăn do Covid-19

Kỳ Văn
Đại dịch Covid-19 khiến người lao động ở tỉnh Bình Định gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, thêm nhiều người ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam trở về quê và rơi vào cảnh không việc làm.
Gần đây, nhờ nguồn vốn vay chuyển đổi nghề, hỗ trợ việc làm, một số lao động nghèo đã tìm được kế sinh nhai, từng bước có thu nhập ổn định, khôi phục sản xuất kinh doanh.

Sau khi được giải ngân từ nguồn vốn chuyển đổi nghề, mở rộng sản xuất, ông Võ Công Chính, ở xã Cát Tài, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định lập tức đặt hàng dây chuyền ép, đóng chai dầu đậu phộng.

Ông Chính cho biết, trước đây ông vừa ép thủ công dầu đậu phộng vừa buôn bán bàn ghế nhưng khá bấp bênh. Từ khi huyện Phù Cát bùng phát dịch Covid-19, mọi hoạt động phải tạm dừng khiến cuộc sống thêm khó khăn.

Sau khi địa phương kiểm soát được dịch, các hoạt động trở lại, ông Chính làm ngay hồ sơ vay vốn chuyển đổi nghề từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư máy móc, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh với mục tiêu đưa sản phẩm dầu đậu phộng, dầu mè... lên kệ các siêu thị lớn tại TP.HCM. Ông Võ Công Chính cho biết, trước đây mình từng vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để làm ăn, hiện giờ có nhu cầu vay nhiều hơn vì có lãi suất thấp và ổn định.

“Tuy rằng không lớn nhưng những lúc này 50 triệu đồng giúp mình rất nhiều. Ngày đầu thiếu vốn, 50 triệu thì phụ vào nguồn máy móc. Vốn ngân hàng chính sách thì lãi suất thấp tạo điều kiện cho mình thu mua nguồn đậu cho bà con nông dân, thứ 2 là thêm đồng vốn đưa sản phẩm ra thị trường”, ông Chính nói.

Cũng nhờ nguồn vốn vay 50 triệu từ ngân hàng Chính sách Xã hội mà chị Đào Thị Cẩm Nhung, ở phường Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định đã mạnh dạn chuyển đổi nghề, tạo thu nhập ổn định cho gia đình. Trước đây, làm việc ở TP.HCM, do dịch Covid-19 nên vợ chồng chị Nhung quyết định về quê sinh sống. Kinh nghiệm ở TP.HCM đã cho chị ý tưởng mở cửa hàng làm bánh cuốn và mở đại lý cung cấp cho các cửa hàng nhỏ. Tuy nhiên, khi biết máy tráng bánh cuốn tự động trị giá hơn 50 triệu đồng đã làm chị chùn bước.

Tìm hiểu chương trình cho vay hỗ trợ chuyển đổi nghề từ ngân hàng Chính sách Xã hội, chị Nhung làm hồ sơ và đã được duyệt. Đến nay, cửa hàng bán bánh cuốn của chị Nhung cho thu nhập ổn định 15 triệu đồng mỗi tháng.

“Ý định của tôi ấp ủ về máy tráng bánh cuốn tự động đây rất lâu rồi nhưng khả năng chưa có nên cũng chưa dám. Nhưng khi bên Ngân hàng Chính sách có khoản cho vay thì tôi mạnh dạn đầu tư lên. 50 triệu thì hàng tháng trả lãi không bao nhiêu hết, khoảng hơn 200.000. Tôi cảm thấy nếu làm ăn kinh doanh thì bên Ngân hàng chính sách tạo thuận lợi cho người dân”, chị Nhung bày tỏ.

Thời gian qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều lao động gặp khó khăn trong duy trì công việc. Nắm rõ nhu cầu vay vốn, chuyển đổi nghề từ người dân vùng nông thôn, nhất là hàng chục ngàn người trở về từ vùng dịch, Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh Bình Định đã chỉ đạo chi nhánh ở các huyện, thị xã rà soát, tạo điều kiện cho vay để người lao động chuyển đổi nghề, mở rộng sản xuất.

Đến hết tháng 10, Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh Bình Định đã giải ngân gần 500 tỷ đồng cho gần 12.000 khách hàng vay, hỗ trợ để cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ gia đình mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho hơn 18.000 lao động, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, cải thiện đời sống cho người lao động.

Ông Đoàn Trung Thành, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh Bình Định cho biết, hiện nay đơn vị tiếp tục phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các địa phương rà soát kịp thời hỗ trợ người dân có nhu cầu vay vốn chuyển đổi nghề.

“Trước tình hình địa phương tiếp nhận nhiều lao động từ vùng dịch trở về, Chi nhánh đã phối hợp với Sở LĐTB &XH chủ động rà soát số đối tượng có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn để chuyển đổi việc làm và giải quyết việc làm trên chính quê hương mình. Ngoài vấn đề vay vốn từ tín dụng chính sách thì công tác đào tạo nghề, tuyển dụng lao động trở về từ vùng dịch cũng được lãnh đạo tỉnh hết sức quan tâm”, ông Thành cho hay./.