Doanh nghiệp và người lao động thời COVID-19: Cần sự thấu hiểu từ cả hai phía

Admin
Dịch COVID-19 kéo dài đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Bài toán giữ hay cắt giảm lao động trong giai đoạn này đang làm đau đầu nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp.

Gặp khó khăn do dịch COVID-19, buộc nhiều doanh nghiệp phải nghĩ đến phương án cắt giảm lao động

(Ảnh: Công nhân sản xuất thực phẩm tại Công ty CP Sài Gòn Food)

Cắt giảm lao động

Theo khảo sát mới nhất của Công ty Talentnet chuyên về tư vấn chiến lược và giải pháp nhân sự về cách nhìn nhận và đối ứng của các doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay. Công ty đã tiến hành khảo sát đối với 172 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực ngành nghề và tiến hành từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4/2020.

Theo đó, kết quả cho thấy, nếu tình hình kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn vì COVID-19 thì 75% doanh nghiệp sẽ cắt giảm chi phí nhân sự, 25% còn lại không giảm tài chính dành cho nhân sự.

Báo cáo này cho biết, 54% công ty chọn trả lương theo thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng nếu doanh nghiệp cho người lao động ngừng việc tạm thời do không đủ khối lượng công việc.

19% công ty chọn trả 100% lương theo hợp đồng lao động hiện tại và yêu cầu nhân viên lấy phép năm những ngày không làm việc. 17% công ty có phương án khác kết hợp nhiều cách trên hoặc thương lượng theo từng trường hợp cụ thể. Còn lại 9% sẽ trả 100% lương theo hợp đồng lao động hiện tại và không trừ phép.

Ông Huỳnh Thanh Vạn – Chủ tịch HĐQT Công ty CP SFurniture, một doanh nghiệp hoạt động trong ngành gỗ xuất khẩu cho biết, khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các thị trường xuất khẩu của công ty đều đóng cửa. Công ty gần như không có đơn hàng, doanh thu bằng 0, trong khi đó, mọi chi phí nhà xưởng, nhân công vẫn phải chi trả, nên công ty gặp rất nhiều khó khăn.

“Trong 4 tháng đầu năm, mảng xuất khẩu của công ty gần như bằng 0, buộc lòng chúng tôi phải đóng cửa các phân xưởng sản xuất hàng xuất khẩu. Điều này đồng nghĩa với việc hơn 300 lao động của công ty phải tạm thời ngừng việc. Công ty chỉ có thể duy trì các phân xưởng sản xuất hàng phục vụ thị trường nội địa với khoảng 100 lao động”- ông Vạn cho biết.

Trong bức thư gửi CB, CNV của Tổng công ty Hàng không Việt Nam nhân kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5, Tổng Giám đốc Dương Trí Thành cho biết, năm 2020 doanh thu của doanh nghiệp ước giảm khoảng 50.000 tỷ đồng, lỗ cả năm có thể lên tới gần 20.000 tỷ. Ban lãnh đạo vẫn luôn lỗ lực để bảo vệ nguồn nhân lực và bảo đảm tốt nhất có thể lợi ích cho người lao động.

Tuy nhiên, để duy trì hoạt động trong giai đoạn khó khăn này, đã chủ động triển khai nhiều giải pháp cấp bách để thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh, cắt giảm chi phí, trong đó có việc cắt giảm chi phí lao động. 80% chuyên viên, nhân viên ngừng việc từ tháng 4 đến tháng 6 thực hiện tạm hoãn HĐLĐ/nghỉ không lương với một nửa số lao động không đi làm. Ban lãnh đạo và cán bộ quản lý cấp Ban tự nguyện đi làm không lương từ tháng 4 đến tháng 6.

Sự đồng thuận của người lao động

Đứng trước tình trạng khó khăn này, các doanh nghiệp đang cân nhắc và thực hiện một số các giải pháp ứng phó như cắt giảm lao động, giảm chi phí, tạm ngừng kinh doanh, cho lao động nghỉ không lương… Trong đó, giải pháp cắt giảm lao động đang được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.

Ông Huỳnh Thanh Vạn cho hay, để có được sự đồng thuận của người lao động trong việc tạm ngưng việc để chờ thị trường xuất khẩu mở cửa trở lại, công ty đã cam kết sẽ chi trả đầy đủ lương cho người lao động trong những tháng tạm thời ngừng việc, với mức lương không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Luật Lao động. Tuy nhiên, công ty sẽ “mượn” lại khoản lương này và sẽ chi trả đầy đủ cho người lao động vào những tháng đầu khi công ty hoạt động trở lại.

“Những tháng đầu tiên khi doanh nghiệp hoạt động trở lại, chúng tôi chấp nhận bù lỗ để dành tiền chi trả lương cho người lao động. Chúng tôi kêu gọi sự thấu hiểu từ người lao động trước những khó khăn nhất thời do dịch bệnh mang lại”. Ông Vạn chia sẻ.

Cũng theo ông Vạn, nhờ có sự cam kết của công ty mà phần lớn người lao động đã vui vẻ chấp nhận chính sách này và cam kết sẽ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

“Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, doanh nghiệp rất hiểu sự khó khăn của người lao động khi phải tạm hoãn Hợp đồng lao động. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng rất cần đến sự thấu hiểu và chia sẻ khó khăn từ người lao động. Cắt giảm lao động trong hoàn cảnh này là điều mà các doanh nghiệp không hề mong muốn. Nhưng nếu bắt buộc phải cắt giảm thì lãnh đạo doanh nghiệp phải làm thế nào để người lao động thấu hiểu và sẵn sàng quay lại làm việc khi doanh nghiệp cần” - ông Vạn chia sẻ thêm.

Đống tình với quan điểm này, bà Tiêu Yến Trinh – Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ Talentnet cho biết, cách lãnh đạo công ty ứng xử trong kịch bản xấu nhất, đó là cắt giảm nhân sự. Khi đó, công ty nên tổng kết lại ngân sách để xem doanh nghiệp trụ được trong bao lâu, 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm. Và nên giảm chi phí dành cho lãnh đạo trước, ở mức thấp nhất có thể nếu cần thiết. Còn nhân viên nên giảm khoảng 30% đến 50%.

"Còn đối với nhân viên đến thời hạn kết thúc hợp đồng, trong bối cảnh sử dụng lao động đó không còn, doanh số cũng không, thì lãnh đạo công ty phải truyền thông đến nhóm này nhưng cần khéo léo, nói trước để họ tìm việc" - bà Trinh nói.

Bà Trinh kể rằng thấy nhiều trường hợp đã kiếm việc giúp nhân viên khi họ hết hạn hợp đồng -"Lãnh đạo làm sao để thể hiện lòng nhân hậu với nhân viên. Đó là điều quan trọng nhất".

“Sự truyền thông, thấu hiểu sẽ giúp lãnh đạo và nhân viên có sự kết nối, đồng cảm. Cho dù tình huống xấu nhất xảy ra thì truyền thông vẫn phải minh bạch, cụ thể. Nếu có sự đồng cảm, có thể khi tình hình ổn định trở lại, lãnh đạo gọi nhân viên cũ về, họ sẽ quay trở lại” - TGĐ Talentnet chia sẻ thêm.

Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Quang Tường – TGĐ Công ty CP Sài Gòn Food cho biết, ngay từ đầu mùa dịch, ban lãnh đạo Sài Gòn Food đã có dự đoán và đưa ra các kịch bản ứng phó theo từng giai đoạn diễn biến của dịch bệnh, làm tốt hai vai trò “lao động giỏi – chống dịch tốt”. Vì vậy, đến thời điểm này, Sài Gòn Food không bị ảnh hưởng nhiều bởi COVID-19, 2.500 lao động của công ty vẫn có sức khỏe tốt và làm việc bình thường, đáp ứng nhu cầu đơn hàng tăng cao ngay trong mùa dịch.

Cũng theo ông Tường, khi thị trường xuất khẩu của công ty phải đóng cửa để phòng dịch, công ty đã nhanh chóng sắp xếp đội ngũ, cho dừng 02 dây chuyền sản xuất hàng xuất khẩu để tập trung phục vụ thị trường trong nước, huy động mọi nguồn lực cho sản xuất để đáp ứng đầy đủ hàng hóa cho các hệ thống bán hàng trong cả nước.

“Chúng tôi luôn quan tâm đến sức khỏe cũng như đời sống của người lao động. Đặc biệt là trong thời gian đại dịch COVID-19 đang căng thẳng như hiện nay. Sài Gòn Food đặt nhiệm vụ trọng tâm là đảm bảo sức khỏe công nhân viên, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh để toàn thể CBCNV đều có việc làm ổn định” - ông Tường Thông tin thêm.

The Enternews.vn