Doanh nghiệp TP.HCM đang bị động trong chuẩn bị tái sản xuất, kinh doanh

Kỳ Văn
Bên cạnh khó khăn về nguồn lao động, chi phí xét nghiệm cho người lao động 3-7 ngày/lần đang là gánh nặng cho doanh nghiệp.
Tại chương trình Cà phê doanh nhân Huba lần thứ 59 diễn ra hôm nay (26/9) với chủ đề "Kế hoạch phục hồi kinh tế trong giai đoạn bình thường mới", nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM cho biết họ đang lúng túng, bị động trong việc chuẩn bị tái sản xuất, kinh doanh sau ngày 30/9, nhất là chuẩn bị nguồn nhân lực.

Công ty Cổ phần nhựa Binh Minh có 3 nhà máy ở TP.Thủ Đức đang sản xuất “3 tại chỗ”. Tháng 7/2021, doanh nghiệp duy trì sản xuất 50% sản lượng, tháng 8 còn 20%, tháng 9 tăng lên hơn 50%. Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc Công ty cho biết, như nhiều doanh nghiệp khác, họ đang ngóng chờ chính sách mở cửa kinh tế sau ngày 30/9, cùng những hướng dẫn cụ thể và các tiêu chí có liên quan.

Ông Ngân kiến nghị khi tái sản xuất, thành phố phải có chính sách liên kết vùng để việc vận chuyển hàng hóa thuận lợi: “Thành phố, chính phủ có tính nhất quán, cần cập nhật thông tin về nguồn nhân lực, quy định rõ ràng, nếu không thì chúng tôi không thể huy động được nguồn lực lao động để tái sản xuất, kinh doanh”.

Để chuẩn bị phục hồi sản xuất trong giai đoạn bình thường mới sắp tới, nhiều doanh nghiệp ở thành phố cho rằng, điều lo lắng nhất hiện nay là việc thiếu lao động, do công nhân về quê tránh dịch. Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM cho biết hiện nay việc huy động 60-70% nhân công ngành gỗ rất khó khăn. Mặt khác doanh nghiệp đang rất cần được thành phố hỗ trợ tiêm vaccine cho người lao động đang ở các địa phương khác, nhằm đảm bảo chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa.

“Thành phố nên có chương trình hợp tác với các tỉnh về vaccine liên tỉnh. Khi chúng ta chuyển công nhân ở các tỉnh về thành phố tiêm vaccine hoặc chuyển vaccine về tỉnh, hay có cách khác, ở thời điểm thích hợp hơn để thực hiện chính sách này, và phải chuẩn bị ngày từ bây giờ”, ông Nguyễn Chánh Phương nói.

Bên cạnh khó khăn về nguồn lao động, chi phí xét nghiệm cho người lao động 3-7 ngày/lần đang là gánh nặng cho doanh nghiệp. Vì thế, thay vì xét nghiệm đại trà, định kỳ như trước đây, theo các doanh nghiệp, chỉ nên xét nghiệm khi xuất hiện trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ, hoặc xét nghiệm ngẫu nhiên một nhóm lao động, một ca, chuyền sản xuất và thành phố cũng nên có gói hỗ trợ dành cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, phủ rộng đến nhiều đối tượng khó khăn.

Ông Nguyễn Đức Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Xuất nhập khẩu cà phê Napoli đề xuất: “Gói hỗ trợ của thành phố cho doanh nghiệp thì phải có kế hoạch phân bổ sao cho độ bao phủ đến các doanh nghiệp lớn, nhỏ, doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, hộ tiểu thương đều nhận được ít, nhiều, làm sao đến tận tay đối tượng thật sự khó khăn".

Một vấn đề cũng nhận được nhiều sự quan tâm là cách ứng xử như thế nào khi doanh nghiệp có F0 trong trạng thái bình thường mới? Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, việc xử lý F0 trong doanh nghiệp có thể sẽ khác trước đây, vì nếu "bóc tách" F0 và cho dừng toàn bộ dây chuyền sản xuất hay nhà máy thì sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp

“Lãnh đạo thành phố rất đau đáu và yêu cầu y tế và các ngành thảo luận và chúng tôi gần đi đến hồi kết. Đó là nên chia nhỏ các chuyền sản xuất, độc lập tương đối, nếu nơi nào có F0 thì bóc tách nơi đó để xử lý, quan điểm của thành phố là như vậy”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ nói.

Ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết, tại phiên họp ngày 24/9 với sự tham gia của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đã đề cập việc từ nay đến ngày 30/9, TP sẽ tháo gỡ ngay các chốt chặn ở các tuyến đường để chuẩn bị bước sang giai đoạn mới từ ngày 1/10. Điều doanh nghiệp mong muốn là TP.HCM mở cửa càng sớm càng tốt, nhưng phải an toàn, tránh tình trạng mở rồi đóng thì càng khó khăn hơn./.