Doanh nghiệp dồn sức khuyến mại, thận trọng sản xuất dịp cuối năm

Kỳ Văn
Các doanh nghiệp đang cố gắng khắc phục mọi khó khăn để dồn tổng lực cho chương trình khuyến mại kích cầu trong 2 tháng cuối năm.

Doanh nghiệp có 2 tháng khuyến mại 100%

Ngày (1/12) là ngày đầu tiên diễn ra Tháng khuyến mại tập trung quốc gia, với mức khuyến mại tối đa doanh nghiệp có thể áp dụng là 100%. Thay vì bình thường, theo Nghị định 81/2018, doanh nghiệp bị quy định mức trần khuyến mại giảm giá tối đa không vượt quá 50%, nghĩa là doanh nghiệp có tiềm lực, muốn giảm giá sâu hơn để hút khách, kích cầu, gia tăng lợi nhuận cũng không được.

Vì vậy, Tháng khuyến mại tập trung quốc gia lần này thực sự là một cơ hội cho các doanh nghiệp trong mùa làm ăn cuối năm.

Năm 2020, chương trình diễn ra vào tháng 7, thu hút gần 27.500 chương trình khuyến mại của doanh nghiệp tham gia. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Tháng khuyến mại phải dời đến cuối năm. Tuy nhiên, tiếp sau Tháng khuyến mại tập trung quốc gia sẽ là tháng cận Tết âm lịch. Như vậy, doanh nghiệp sẽ có 2 tháng liên tiếp để kích cầu tiêu dùng.

Doanh nghiệp dồn sức khuyến mại, thận trọng sản xuất dịp cuối năm - Ảnh 1.

Doanh nghiệp sẽ có 2 tháng liên tiếp để kích cầu tiêu dùng cuối năm. (Ảnh minh họa - Ảnh: )

"Theo quy định của Nghị định 81 về xúc tiến thương mại, một tháng trước Tết âm lịch, doanh nghiệp được khuyến mại giảm giá đến 100%, kết hợp cùng chương trình này sẽ là 2 tháng doanh nghiệp được khuyến mãi 100%", ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, cho biết.

Doanh nghiệp dồn lực khuyến mại dịp cuối năm

Trong Tháng khuyến mại tập trung năm 2020, doanh thu bán lẻ hàng hóa đã đạt hơn 333.000 tỷ đồng, tăng đến 7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong năm nay, các doanh nghiệp cũng đang kỳ vọng mức tăng này, chưa kể, với hai tháng liên tiếp, con số này có thể lên gấp đôi. Với kỳ vọng này, các doanh nghiệp đang dồn tổng lực cho các chương trình kích cầu trong 2 tháng cuối năm.

Tập đoàn Kido đã mạnh dạn lên kế hoạch sản xuất tăng 30% sản lượng dầu ăn phục vụ nhu cầu dịp Tết. Không chỉ đa dạng kênh phân phối, họ cũng tặng thêm sản phẩm cho khách, tương đương chiết khấu từ 15 - 30%.

"Cân đối nguyên liệu đầu vào, cố gắng giảm chi phí trong sản xuất để bình ổn giá bán ra để người tiêu dùng tiếp cận nhiều sản phẩm", ông Bùi Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Kido, chia sẻ.

Còn Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (Vinanutrifood), với thế mạnh là các sản phẩm tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, họ chọn cách khuyến mại cho khách bằng việc cung cấp sản phẩm chất lượng tốt, nhưng giá thấp hơn thông thường.

"Chúng tôi sẽ bán những gói combo với giá thành tốt, giá thành thấp để người tiêu dùng Việt Nam thu nhập giảm do COVID-19 được trải nghiệm", bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (Vinanutrifood), nói.

Sở Công Thương thành phố Hà Nội cho biết, tháng khuyến mại tập trung năm nay đã thu hút hơn 3.000 doanh nghiệp tham gia với nhiều hình thức khuyến mãi từ online đến offline.

"Tỷ lệ khuyến mãi 100% tương đối nhiều, tập trung vào các sản phẩm may mặc, thời trang. Nhóm sản phẩm khuyến mãi trung bình cao nhất từ 50 - 80%. Chúng tôi kỳ vọng tổng doanh thu bán lẻ ở trên địa bàn sẽ tăng trưởng cao hơn", bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội, cho hay.

Theo ghi nhận, năm nay doanh nghiệp chuộng hình thức kết hợp các nhãn hàng với nhau để khách hàng mua sản phẩm sẽ được tặng sản phẩm tương đương với các mức chiết khấu thay vì giảm trực tiếp tiền mặt. Điều này vừa có lợi cho người tiêu dùng, vừa hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng sản xuất bù cho những tháng giãn cách xã hội vừa qua.

Có thể thấy, khá nhiều kỳ vọng đặt vào 2 tháng bán hàng cuối năm, với nhiều chương trình kích cầu. Tuy nhiên, sau 2 năm thu nhập khó khăn vì COVID-19, hiện người tiêu dùng cũng phải cân nhắc ít nhiều trước khi cho một món hàng nào đó vào giỏ.

Doanh nghiệp thận trọng sản xuất hàng Tết

Theo khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Ipsos, 90% gia đình Việt có thu nhập bị ảnh hưởng vì dịchCOVID-19, đặc biệt là những gia đình có thu nhập trung bình và thấp. Chưa kể, dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, chi phí sản xuất tăng cao. Vì vậy, bản thân doanh nghiệp cũng đang rất cẩn trọng, dự báo nhu cầu và đưa ra một kế hoạch sản xuất hợp lý.

Do ảnh hưởng của dịch, dự kiến lượng hàng hóa chuẩn bị Tết của Công ty Tân Quang Minh chỉ đạt khoảng 70% so với năm trước. Chi phí nguyên vật liệu tăng cao, thiếu nhân lực sản xuất khiến doanh nghiệp thận trọng hơn để duy trì thị trường.

"Có loại sản phẩm tăng 7 - 8%, cũng có những loại tăng tới 60%. Tuy nhiên để duy trì thị trường, chúng tôi cố gắng giữ nguyên giá", ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty Tân Quang Minh, cho biết.

Dự báo, sức mua thị trường Tết sẽ giảm khoảng 10 - 20% so với năm trước. Một số loại nguyên liệu, chi phí sản xuất tăng từ 20 - 30% khiến Công ty Vissan phải tính toán kỹ bài toán chuẩn bị hàng Tết. Giảm lượng cung ứng, nhưng tăng lượng dự trữ là cách doanh nghiệp ứng phó.

"Chúng tôi nhận định sức mua sẽ giảm, nhưng để đảm bảo nguồn lương thực và khi có biến động nguồn nguyên liệu lương thực, chúng tôi có nguồn này đáp ứng kịp thời", ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vissan, chia sẻ.

Doanh nghiệp dồn sức khuyến mại, thận trọng sản xuất dịp cuối năm - Ảnh 2.

Dự báo, sức mua thị trường Tết sẽ giảm khoảng 10 - 20% so với năm trước. (Ảnh minh họa - Ảnh: )

Theo Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, do sức mua chậm, diễn biến thị trường khó lường và tùy thuộc vào tình hình kiểm soát dịch nên các doanh nghiệp không tăng sản lượng nhiều. Thay vào đó, doanh nghiệp chuẩn bị sẵn nguyên phụ liệu, bao bì để khi nhà phân phối tăng đặt hàng hoặc thị trường khởi sắc sẽ lập tức tăng tốc đáp ứng.

Ngoài ra, hàng hóa nhập khẩu vẫn còn vướng vì vấn đề lưu thông chưa hồi phục hoàn toàn. Do đó, các doanh nghiệp đang vừa tính toán cân đối chi phí, tìm giải pháp bán hàng hiệu quả, vừa phòng chống dịch trong nhà máy để giữ vững sản xuất.

Các doanh nghiệp đang cố gắng khắc phục mọi khó khăn để dồn tổng lực cho 2 tháng cuối năm, cùng với các chương trình kích cầu, giảm giá, hy vọng nâng sức mua nội địa, gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 đã tăng 6,2% so với tháng 10. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy sức mua đang tăng dần sau nhiều tháng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.