Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu không muốn chiết khấu kiểu "ban phát"

Admin
Đại diện một doanh nghiệp (DN) bán lẻ xăng dầu tại Trà Vinh cho biết, Bộ Công Thương luôn giải thích chiết khấu là do “thoả thuận để tạo công bằng, cạnh tranh”, tuy nhiên những gì diễn ra suốt hơn 1 năm qua đã chứng minh điều ngược lại. Chiết khấu cho DN bán lẻ là do sự “ban phát” từ DN đầu mối.
Doanh nghiệp bán lẻ phải cầm cố tài sản để bù lỗ
Tại toạ đàm trực tuyến “Kinh doanh xăng dầu và bài toán đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia - Tiếng nói người trong cuộc" do báo Tiền phong tổ chức sáng 6/3, ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) - cho rằng, do không được hưởng chiết khấu, hơn một năm qua, các DN bán lẻ bị kiệt quệ về tài chính, có người phải bán cả ruộng vườn, đất đai, thậm chí cầm cố tài sản để bù lỗ. Để phục vụ bình ổn thị trường theo mệnh lệnh hành chính, dù lỗ vẫn phải bán. Đây là hình thức cưỡng bức DN bán lẻ.
Sau khi VCCI tổ chức hội nghị góp ý sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu vào ngày 14/2, chiết khấu xăng dầu bắt đầu tăng lại từ 1.000 - 1.500 đồng/lít, tùy khu vực.
"Đây là hiện tượng không bình thường. Vậy chiết khấu này từ đâu mà có? Trong khi Nghị định thì chưa sửa lại và diễn biến thị trường không hề thay đổi. Phải chăng do không phân chia rõ chi phí lưu thông và lợi nhuận định mức ở các khâu, nên DN đầu mối lợi dụng gom hết phần này? Nay thấy không thể thâu tóm được tất cả nên phải trích ra cho DN bán lẻ", ông Giang Chấn Tây nêu.
Ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh).
Theo DN này, Bộ Công Thương luôn giải thích chiết khấu là do “thoả thuận để tạo công bằng, cạnh tranh”, tuy nhiên những gì diễn ra suốt hơn 1 năm qua đã chứng minh điều ngược lại. Chiết khấu cho DN bán lẻ là do sự “ban phát” từ DN đầu mối. Điều DN bán lẻ muốn là sự căn cơ, chứ không phải là sự thất thường này.
Cũng nêu việc bị lỗ do không được hưởng chiết khấu thời gian qua, bà Nguyễn Thị Rim - Giám đốc Công ty TNHH Giang Chấn Hưng (Trà Vinh) đặt câu hỏi: "Các DN xăng dầu bán lẻ bị ép bán trong một thời gian dài lỗ đã đến cả nghìn tỷ đồng, chúng tôi có được bù lỗ hay không? Nếu không thì dựa vào đâu để buộc doanh nghiệp bán lẻ phải hy sinh, trong khi doanh nghiệp nhà nước lại được cân đối bù lỗ. Yêu cầu Bộ Công thương giải thích lý do vì sao không cho DN bán lẻ lấy hàng ở nhiều nơi và có thể nhận hàng ở nhiều nơi về đổ vào chung 1 bồn như thương nhân phân phối đang làm”.
Đại diện một số DN bán lẻ khác có cùng kiến nghị các cơ quan làm chính sách hiểu và thông cảm, làm chính sách đúng đắn cho ngành xăng dầu và có quy định có chiết khấu 5-6% giá bán lẻ, được lấy nhiều đầu mối, giảm bớt thủ tục hành chính, cho phù hợp cơ chế thị trường, để DN bán lẻ ổn định, yên tâm phá triển, đưa xăng dầu tới người tiêu dùng.
Bất cập từ đầu mối
Ông Văn Tấn Phụng - Chủ tịch HĐQT Công ty Thương mại Dầu khí Đồng Nai chia sẻ, thương nhân phân phối có cùng nỗi khổ như DN bán lẻ. Thời gian qua, cả bán lẻ, thương nhân đều lỗ. DN nhập khẩu đầu mối đang là tác nhân, nguyên nhân khiến phân phối và bán lẻ bị lỗ. Việc đứt gãy xăng dầu, qua dịch bệnh, chiến tranh, lộ rõ điều hành vĩ mô có vấn đề. Đây là giọt nước tràn ly, cho thấy vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước khi toàn hệ thống có những bất cập.
“Sau sửa Nghị định 83, hậu quả đứt gãy làm DN điêu đứng rất rõ ràng. Lượng hàng dự trữ không còn, chúng tôi là thương nhân phân phối mà cũng không được rót xăng dầu thì làm sao chúng tôi rót cho bán lẻ. Bất cập là từ việc điều hành đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Chúng tôi rất lỗ, DN sắp chết”, ông Phụng nói.
Liên quan đến yêu cầu chiết khấu cho DN bán lẻ, theo ông Phụng, chiết khấu là do đầu mối quyết định. DN bán lẻ có trách nhiệm đối chiếu. Vai trò thương nhân phân phối đã sáng tỏ, thời gian tới làm sao sửa nghị định đi vào cuộc sống. Đầu mối, thương nhân phân phối, bán lẻ phải hài hoà lợi ích.
Đừng để doanh nghiệp bị lỗ bởi cơ chế, chính sách
Dưới góc nhìn chuyên gia, theo TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đến thời điểm hiện tại, các bên không nên mổ xẻ trách nhiệm và đổ lỗi qua lại cho nhau vì thị trường vốn bất định. DN bán lẻ không thể đổi lỗi cho DN nhập khẩu, cung ứng xăng dầu và ngược lại.
TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).
"Việc liên tiếp thanh tra, kiểm tra với DN kinh doanh xăng dầu hiện tại chỉ khiến thị trường khó khăn hơn. Nhà nước đừng để DN bị thua lỗ bởi sự can thiệp hành chính, bởi cơ chế và chính sách. Chúng ta cứ nói về khái niệm chiết khấu này, chiết khấu kia, tôi nghĩ rằng thuật ngữ này không chính xác, hãy để các DN nhập khẩu, phân phối xăng dầu tự thỏa thuận với nhau về lợi ích, để họ tự phân chia lợi ích thì thị trường sẽ dần hài hòa.
Bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận rằng những công cụ quản lý của nhà nước đối với thị trường xăng dầu hiện tại đã không còn phù hợp, mà hệ quả là sự thua lỗ của các DN kinh doanh xăng dầu. Do đó, các doanh nghiệp cần phải ngồi lại, cùng nhau đưa ra vấn đề để hướng tới thay đổi chính sách. Tóm lại, trong bối cảnh hiện tại các bên không nên đổ lỗi cho nhau, không chia chiến tuyến”, TS Nguyễn Đình Cung nói.
Trao quyền cho doanh nghiệp nhiều hơn nữa
Cảm ơn các ý kiến đóng góp của DN và chuyên gia, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp thu ý kiến sửa Nghị định 95 và Nghị định 83. Ngoài tái cấu trúc hệ thống phân phối thì điều hành giá được giữ nguyên như hiện nay, hiện bản chất ta đang giữ giá trần nhưng đang thiên góc độ về người dân và CPI.
Việc tính chi phí, tính rà soát cần phải tính đúng, tính đủ và kịp thời cho DN, theo ông Trần Duy Đông nên trả về thị trường nhiều hơn, trao quyền cho DN nhiều hơn nữa. Nhà nước sẽ định hướng, tham chiếu nào đó, vẫn giữ quỹ nhưng quỹ không sử dụng liên tục như hiện nay.
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương).
Đại diện Bộ Tài chính, ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng Quản lý giá, cho biết trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu trong nước, cần rà soát quy định liên quan để sửa, khắc phục bất cập của thị trường.
Về chiết khấu của doanh nghiệp bán lẻ, theo ông Nguyễn Minh Tiến, DN phản ánh chi phí thấp, gây khó khăn cho DN. Giá chiết khấu phụ thuộc nhiều yếu tố như dự báo giá, hàng tồn kho… Khâu đánh giá chi phí với chiết khấu theo chuỗi từ bán buôn đến bán lẻ. Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi Bộ Công Thương về chi phí chiết khấu cho bán lẻ.
“Trên cơ sở chi phí của thương nhân phân phối, chúng tôi đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ. Chúng tôi rà soát chi phí định mức trong công thức tính giá cơ sở trên cơ sở phát sinh. Chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, rà soát để các khâu trong tính giá cơ sở, công khai tới DN”, ông Tiến nói.