[COVID-19] Thuốc thử đau đớn với doanh nghiệp du lịch

Admin
Cuộc khủng hoảng chưa từng có đối với ngành công nghiệp du lịch của Việt Nam đã khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng.

Kể từ khi bắt đầu hình thành từ cách đây gần 30 năm, chưa bao giờ ngành du lịch Việt Nam chứng kiến một đợt khủng hoảng trên diện rộng đến như vậy! Ngày 18.3, khi Chính phủ tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài để kiểm soát dịch COVID-19, giám đốc hàng loạt các công ty du lịch ở cả 3 thị trường: inbound (đưa khách quốc tế vào Việt Nam), outbound (đưa khách Việt ra nước ngoài), nội địa (khách Việt đi du lịch trong nước) đồng loạt tuyên bố: “Hoạt động kinh doanh hoàn toàn đóng băng!”.

Du lịch đi về con số 0

Một lãnh đạo công ty du lịch bật khóc và cho biết, 95% du khách của đơn vị lo sợ dịch nên đã hủy tour và yêu cầu trả tiền đặt cọc.

Ở hầu hết các công ty, khách inbound đã hủy tour đăng ký đến tháng 9.2020, khách outbound hủy tour đăng ký đến tháng 6/2020, khách nội địa không đặt tour trước quá lâu cũng đã hủy toàn bộ.

Nếu dịch kéo dài đến hết quý II, thiệt hại của ngành du lịch sẽ là 5 tỉ USD.

Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu dịch bệnh kết thúc trong quý I, ngành du lịch có thể sẽ bị thiệt hại khoảng 2,3 tỉ USD, nhưng nếu dịch kéo dài đến hết quý II, thiệt hại sẽ là 5 tỉ USD.

Theo xu hướng hiện nay, khách du lịch thường lên kế hoạch đi du lịch và đặt tour trước nhiều tuần lễ để có giá tốt. Điều này giúp các công ty du lịch có dòng tiền mặt dồi dào. Khi khách đã trả trước tiền tour, họ có thể dùng khoản tiền đó để mở một tour khác và cứ thế xoay vòng vốn. Tuy nhiên, như thông lệ, vào cuối năm 2019, các công ty lữ hành đều đã đặt những khoản tiền cọc lớn cho các hãng hàng hàng không, khách sạn và các nhà cung cấp dịch vụ để triển khai chiến lược kinh doanh cho năm 2020.

Khi dịch bệnh bùng phát, các đơn vị lữ hành chỉ có thể hoãn vé máy bay và hoãn sử dụng các dịch vụ đến cuối năm 2020, chứ không thể lấy lại tiền cọc, cũng không thể dời vé và dịch vụ qua năm sau. Vì vậy, khi hơn 90% tour không thành, phải trả lại phần lớn tiền cho khách, doanh nghiệp sẽ mất dòng tiền, cộng với việc đã đặt cọc cho các nhà cung cấp dịch vụ, khiến lượng tiền mặt càng khan hiếm. “Lúc này, nhân lực càng nhiều, số lượng chi nhánh, văn phòng càng lớn, thì áp lực chi phí của doanh nghiệp sẽ càng nặng”, bà Huỳnh Mỹ Yến, Tổng Giám đốc Công ty Nature Tourist, nhận định.

Cùng chung nỗi niềm, ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Indochina Unique Tourist, chia sẻ công ty ông trước khi có dịch đã đặt cọc cho các đơn vị lưu trú và hàng không hàng chục tỉ đồng để đặt dịch vụ lưu trú và vận chuyển cho các tour của mình trong năm.

“Giờ trong lúc khó khăn, tôi muốn thỏa thuận tạm rút về để xoay xở, nhưng không được”, ông nói và dẫn chứng đối tác của mình là Mercure Bana Hills French Village tại Bà Nà, Đà Nẵng. Khi ông muốn rút lại tiền cọc trong thời gian này vì khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, nhưng khách sạn không đồng ý và chỉ chịu hoàn lại vào tháng 6 theo cam kết hợp đồng.

Khi ông Thủy trao đổi đây là tình huống bất khả kháng thì mỗi bên cần nhường một bước với sự nhân văn. Nhưng phía khách sạn trả lời, họ cũng gặp khó khăn về mặt tài chính và chịu thiệt hại do dịch bệnh. “Nếu công ty ông muốn rút tiền về ngay thì phải chịu một khoản phạt”, theo thư phúc đáp của khách sạn gửi cho ông Thủy.

Bên cạnh cơ sở lưu trú, ông Thủy cũng muốn rút tiền cọc từ các hãng hàng không nhưng cũng là điều bất khả thi. “Họ chỉ chấp nhận dời các booking (đặt vé) sang năm 2021. Dòng tiền chúng tôi đang bị đóng băng”, ông cho biết.

Là đơn vị kết nối các dịch vụ, vốn lưu động của các doanh nghiệp lữ hành rất thấp, giá vốn bán hàng khá cao - thường chiếm xấp xỉ 90% doanh thu thuần, tỉ suất lợi nhuận không quá vài phần trăm. Theo khảo sát của SSI Research, NPM (biên lợi nhuận ròng - tỉ suất lợi nhuận ròng trên doanh thu) mảng lữ hành hằng năm của 3 công ty lớn là Vietravel, Fiditour và BenThanh Tourist chỉ đạt từ 0,8-1%. Với những đặc tính đó, việc đảm bảo ổn định nhân sự từ 3-6 tháng và duy trì dòng vốn chờ đến khi bộ máy hoạt động trở lại là thử thách rất lớn đối với hầu hết doanh nghiệp.

Cơ hội chuyển đổi hậu đại dịch

Ở thời điểm bình thường, các đơn vị trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, bao gồm lữ hành, hàng không, cơ sở lưu trú, nhà hàng, điểm tham quan… sẽ hợp tác trơn tru để phục vụ khách và cùng chia sẻ lợi nhuận. Nói một cách khác là sống cộng sinh với nhau và cũng có thể là cùng nhau chết.

Sự thật là khi dịch COVID-19 xảy ra, đời sống cộng sinh nảy bắt đầu phát sinh vấn đề. Không có khách du lịch, không đơn vị nào có thể thu được tiền. Các đơn vị giữ tiền như tiền đặt cọc của nhau, chỉ ưu tiên giải quyết khó khăn của chính mình, vì vậy chuyện giải quyết mâu thuẫn đi vào vòng luẩn quẩn.

“Trong số các mắt xích trong chuỗi cung ứng thì đặt cọc cho hàng không chiếm số tiền lớn nhất của một công ty lữ hành. Tôi biết có những công ty đặt cọc cho các hãng hàng không lên đến 5-10 tỉ đồng. Các hãng hàng không cho di dời cọc sang năm nhưng các doanh nghiệp vẫn phải trả lãi và gốc tiền vay cho ngân hàng hằng tháng”, ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Vitours cho biết.

Là người lâu năm của ngành du lịch, ông Tùng cũng hiểu được các hãng hàng không cũng có cái khó của riêng mình. Họ cũng bị kẹt số tiền lớn. Vì vậy, điều mà ông Tùng mong mỏi là có những hỗ trợ trực tiếp, cấp bách và đồng bộ hơn từ Nhà nước.

Câu chuyện chuỗi cung ứng phục vụ du lịch hỗ trợ nhau và cùng nhau phát triển là điều tất yếu lâu nay. Vì vậy, khi cùng chịu hậu quả của đại dịch, các bên nên ưu tiên ngồi lại với nhau, giải quyết một cách hợp tình hợp lý. Dựa vào cam kết hợp đồng hoặc bên thứ ba can thiệp chỉ là giải pháp cuối cùng.

Theo Enternews