Covid-19 sáng 12/10: 2.549 ca khỏi bệnh và 115 người tử vong; Cần tăng tốc tiêm vaccine; 'Thông' tàu hỏa Bắc-Nam từ ngày 13/10

Kỳ Văn
Kể từ đầu dịch Covid-19 đến nay Việt Nam có 843.281 ca nhiễm, 784.748 ca được điều trị khỏi. Tổng số ca tử vong tính đến nay là 20.670 ca.
Covid-19 sáng 12/10:
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 20.670 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm. (Nguồn: Báo Lao động)

Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam

Tính từ 17h ngày 10/10 đến 17h ngày 11/10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.619 ca nhiễm mới, trong đó 2 ca nhập cảnh và 3.617 ca ghi nhận trong nước tại 44 tỉnh, thành phố (có 1.726 ca trong cộng đồng).

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 843.281 ca nhiễm, đứng thứ 41/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.565 ca nhiễm).

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là TP. Hồ Chí Minh (411.655), Bình Dương (222.528), Đồng Nai (55.488), Long An (33.379) và Tiền Giang (14.608).

Tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19

Số bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh trong ngày 11/10 là 2.549 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 784.748 ca.

Trong ngày ghi nhận 115 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (75), Bình Dương (18), Đồng Nai (5), An Giang (5), Tiền Giang (4), Ninh Thuận (2), Long An (2), Quảng Bình (1), Bình Định (1), Cần Thơ (1) và Tây Ninh (1). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 117 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 20.670 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 135/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.

So với châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 30/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tình hình xét nghiệm

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 128.114 xét nghiệm cho 205.382 lượt người.

Số lượng xét nghiệm từ 27/4 đến nay: 20.202.582 mẫu cho 56.174.649 lượt người.

Covid-19 sáng 12/10: Bình quân 1 triệu người có 8.565 ca nhiễm; cần tăng tốc tiêm vaccine; sẽ có hướng dẫn tiêm cho trẻ em trước 15/10
Hội nghị trực tuyến kết nối 63 tỉnh, thành nhằm kiểm điểm tiến độ tiêm vaccine Covid-19. (Nguồn: SK&ĐS)

TP. Hồ Chí Minh có tỷ lệ tiêm cao nhất cả nước

Ngày 11/10, tại Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành nhằm kiểm điểm tiến độ tiêm vaccine Covid-19, báo cáo của Cục Y tế dự phòng và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, đến hết ngày 10/10, Việt Nam đã tiếp nhận 87,7 triệu liều vaccine trong đó chủ yếu là từ nguồn thương mại. Cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đã phân bổ 81,7 triệu liều qua 57 đợt.

Đến nay, cả nước đã tiêm được gần 55 triệu liều vaccine. Có gần 39 triệu người từ 18 tuổi đã tiêm mũi 1 (54,3% dân số từ 18 tuổi), 16 triệu người đã tiêm mũi 2 (22,1%).

Hiện có 8/63 tỉnh, thành đã bao phủ vaccine ít nhất mũi 1 cho trên 90% dân số từ 18 tuổi; 2 tỉnh bao phủ từ 70-80%; 4 tỉnh đạt 50-70%; 49 tỉnh mới bao phủ vaccine mũi 1 cho dưới 50% dân số từ 18 tuổi.

TP. Hồ Chí Minh hiện là địa phương có số lượng vaccine được phân bổ và người dân được tiêm cao nhất cả nước. Thành phố đã tiêm 12,3 triệu liều vaccine với hơn 7 triệu liều là mũi 1 (98% mũi 1 dân số từ 18 tuổi) và 5,3 triệu mũi 2 (tương đương 72%).

Tăng tốc tiêm vaccine tại các địa phương

Với khoảng 26 triệu liều vaccine tiếp nhận trong 10 ngày đầu tháng 10, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá lượng vaccine về gần đây nhanh và nhiều. Tốc độ tiếp cận vaccine và tiêm vaccine được đẩy lên rõ nét.

Tuy nhiên, với số vaccine được sử dụng chiếm 91% số vaccine được phân bổ, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng như vậy “vẫn chưa đạt yêu cầu”, cần phải đẩy mạnh tốc độ tiêm hơn nữa. Đặc biệt một số tỉnh như Quảng Trị, Lai Châu, Kiên Giang, Yên Bái, Hà Giang… chỉ mới sử dụng từ 50-80% số vaccine được phân bổ.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, dự kiến trong 20 ngày cuối tháng 10, Việt Nam có thể tiếp nhận gần 40 triệu liều vaccine. Số lượng vaccine trong 2 tháng cuối năm có thể về Việt Nam lên tới hơn 65 triệu liều.

Thứ trưởng yêu cầu các địa phương phải xây dựng kế hoạch tiêm vaccine năm 2022. Theo đó, dự kiến nhu cầu cung ứng vaccine trong năm 2022 ở Việt Nam lên tới 166 triệu liều để tiêm cho các đối tượng, bao gồm cả trẻ từ 12 - 18 tuổi.

Trước 15/10 sẽ có hướng dẫn tiêm vaccine cho trẻ em

Về đối tượng tiêm, ngoài các đối tượng đã nêu rõ trong Nghị quyết 21, Nghị quyết 105 của Chính phủ và Quyết định 3355 của Bộ Y tế, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các địa phương ưu tiên tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Ngoài ra, người từ 50 tuổi trở lên; người mắc bệnh nền, người nước ngoài, người lao động làm việc trong doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và nhà máy nhỏ lẻ để nhanh chóng phục hồi sản xuất cũng cần được ưu tiên tiêm chủng.

Về việc tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người nước ngoài, Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh/thành phải thiết lập đầu mối liên hệ để các doanh nghiệp, địa phương lập danh sách người nước ngoài sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn gửi đến. “Các tỉnh phải tiêm bao phủ mũi 1 vaccine cho người nước ngoài trước 31/10, cập nhật ngay số liệu lên hệ thống tiêm chủng”.

Thứ trưởng cũng đặc biệt lưu ý với vấn đề thúc đẩy tiến trình giao- nhận, vận chuyển vaccine kịp thời về địa phương, đơn vị.

Trước 15/10, Bộ Y tế sẽ ban hành hướng dẫn tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi. Chương trình tiêm chủng quốc gia hiện đang xây dựng tài liệu tập huấn về việc tiêm vaccine cho trẻ em. Cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế cũng đang thảo luận về hình thức triển khai tiêm chủng (ở trường học hay ở địa phương lưu trú).

Trước việc báo chí phản ánh về hiện tượng "cò mồi" tiêm vaccine phòng Covid-19 có thu phí tại phường Thảo Điền (TP. Thủ Đức - TP. Hồ Chí Minh), Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trong ngày 11/10, Bộ đã ký văn bản gửi UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo Công an, Sở Y tế cùng các cơ quan liên quan để điều tra, xử lý nghiêm, thông báo công khai trên các phương tiện đại chúng.

Bộ Y tế cũng đề nghị TP. Hồ Chí Minh cần kiểm tra, rà soát tất cả các điểm tiêm chủng trên toàn thành phố, nếu để xảy ra vi phạm phải xử lý ngay.

"Thông" tàu chở khách Bắc-Nam từ 13/10

Tối 11/10, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ban hành quy định tạm thời về thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Theo đó, quy định áp dụng đối với hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt trên phạm vi toàn quốc và thực hiện thí điểm từ ngày 13/10-20/10; sau giai đoạn trên, sẽ tiến hành đánh giá và điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Đối với hành khách đi từ địa phương/khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đến địa phương/khu vực có nguy cơ tương đương hoặc thấp hơn phải đáp ứng một trong số các nguyên tắc y tế sau:

Phải tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19, trong đó phải có thẻ xanh trên Sổ Sức khỏe điện tử/PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày; hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương, có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19.

Phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên tàu. Tuân thủ 5K; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế, không tham gia chuyến đi khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng…

Đi từ địa phương/khu vực có nguy cơ và bình thường mới đến địa phương/khu vực có nguy cơ tương đương hoặc cao hơn, phải tuân thủ 5K; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế, không tham gia chuyến đi khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng…

Hành khách phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên tàu. Thực hiện các biện pháp về phòng, chống dịch của Bộ Y tế và từng địa phương nơi đến.

Quy định của Bộ GTVT cũng yêu cầu kê khai thông tin, hoàn thành bản cam kết tại ga xuất phát theo hướng dẫn của nhân viên đường sắt.

Kết thúc chuyến đi, trong quá trình di chuyển từ ga về nơi cư trú, lưu trú khách phải tuân thủ 5K, sử dụng ứng dụng PC-COVID, hạn chế dừng và không tiếp xúc nơi đông người; chủ động thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, lưu trú.

Hành khách tự theo dõi sức khỏe hoặc thực hiện cách ly tại nơi cư trú, lưu trú theo quy định của Bộ Y tế và cụ thể của từng địa phương về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 kể từ ngày về địa phương; tuân thủ 5K.

Trường hợp có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác... thì thông báo ngay cho cơ quan y tế để theo dõi và triển khai quy trình xử lý dịch bệnh theo quy định.

Về bố trí hành khách trên tàu, Bộ GTVT nhấn mạnh, do hành khách đi tàu từ vùng có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao được bán vé theo chỗ tại toa xe riêng trên đoàn tàu.

Lái tàu, nhân viên công tác trên tàu phải tiêm đủ liều vaccine, hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương. Có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 7 ngày đối với lái tàu và 72 giờ đối với nhân viên công tác trên tàu trước khi lên tàu…

Đối với địa phương nơi hành khách cư trú, lưu trú, quy định của Bộ GTVT nêu rõ việc quản lý, theo dõi, kiểm tra, giám sát những người về địa phương theo quy định cụ thể của địa phương, đảm bảo an toàn, không để lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng.

Các địa phương tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ hai kể từ khi về nơi cư trú, lưu trú đối với hành khách về từ vùng dịch. Trường hợp có các triệu chứng như sốt, ho, khó thở... hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính thì triển khai quy trình xử lý dịch bệnh theo quy định.