Công ty Anh Khoa bỏ thầu y tế một mình một chợ, “trăm trận trăm thắng”?

Admin
Công ty TNHH Trang thiết bị Y tế Anh Khoa (Công ty Anh Khoa) liên tục trúng các gói thầu thiết bị y tế khủng ở các Khánh Hòa, Đồng Nai và những lần mở thầu không có bất kỳ đơn vị nào tham gia cạnh tranh, đấu thầu cùng. Nhiều thiết bị y tế cùng chủng loại, xuất xứ lại có giá chênh với các đơn vị y tế khác!

Gói thầu hơn 20 tỷ đồng ở Khánh Hòa - một mình một chợ

Ngày 9/11/2022, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa đã ký Quyết định số 950/QĐ-SYT để phê duyệt cho Công ty TNHH Trang thiết bị Y tế Anh Khoa trúng gói thầu: “Thiết bị y tế 3 - Thiết bị phẫu thuật: Bộ soi cổ tử cung, nội soi mềm đường tiêu hóa có sinh thiết, Hệ thống phẫu thuật nội soi ổ bụng, đèn mổ…” trị giá lên đến 20.986.000.000 đồng.

Gói thầu được thực hiện dưới hình thức qua mạng, công khai và có giá trị rất lớn nhưng chỉ có một mình Công ty Anh Khoa có tên trong danh sách nhà thầu và trúng thầu luôn.

Trong gói thầu Thiết bị y tế 3, một số trang thiết bị y tế tại gói thầu có giá chênh lệch so với nhiều địa phương khác, như: 3 đèn mổ 1 bóng di động Model: Polaris 100/200 (Drägerwerk AG & Co. KgaA/ Đức), có giá trúng 350.000.000 đồng/cái. Cùng chủng loại máy này, vào tháng 12/2021, Sở Y tế Trà Vinh mua thiết bị này với giá 270.000.000 đồng/cái.

cong-ty-anh-khoa-1670989113.jpg (Ảnh minh họa - KT)

Hệ thống phẫu thuật nội soi ổ bụng, tiết niệu (Model: OTV-S200, CH-S200-XZ-EA, UHI-4, ESG-400... Hãng sản xuất máy chính: Olympus; Stema; Hermann/ xuất xứ: Nhật, Đức, Mỹ) có giá trúng: 4.550.000.000 đồng. Tuy nhiên, vào tháng 12/2020, Trường ĐH Y Hà Nội mua thiết bị trên (có model máy chính tương đương) nhưng chỉ với giá 2.190.000.000 đồng; cũng chính Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa vào ngày 18/5/2021 cũng mua thiết bị này (có model trùng khớp) của Công ty Anh Khoa chỉ với giá 3.220.000.000 đồng/hệ thống.

Máy nội soi mềm đường tiêu hóa có sinh thiết (Model:CV-190; CLV-190, GIF-HQ190, CF-HQ190I, MB-155, FB-230K, FB-230U, New Hospivac 350 ...; Hãng sản xuất máy chính: Olympus; Nhật, Ý) có giá trúng là: 3.950.000.000 đồng.

Tuy nhiên, vào tháng 12/2021, cũng chính Công ty Anh Khoa bán cho Bệnh viên Đại học Y dược TP.HCM có giá là 3,5 tỷ đồng; Ngày 29/02/2021, Công ty Anh Khoa cũng bán cho Bệnh viện quận Tân Phú (TP.HCM) với giá 3.360.000.000 đồng/hệ thống (các hệ thống này có model máy chính và xuất xứ, nhà sản xuất trùng khớp)…

Trước đó, vào ngày 18/5/2021, ông Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cũng phê duyệt cho Công ty TNHH Trang thiết bị Y tế Anh Khoa trúng gói thầu “Mua sắm trang thiết bị y tế năm 2021” có giá trúng là 17.602.000.000 đồng.

Gói thầu này gồm có 9 mặt hàng, trong đó nhiều trang thiết bị y tế có dấu hiệu bán giá cao hơn địa phương khác. Ví dụ:

Hệ thống X - quang kỹ thuật số (Model: FDR Smart FGX-40S; DR-ID 1200; Hãng sản xuất: DRGEM/ Fujifilm Corporation; Chủ sở hữu: Fujifilm. Xuất xứ: Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc) có giá lên đến 3.785.000.000 đồng.

Tuy nhiên, cũng thiết bị này, vào tháng 8/2020, Bệnh viện Đa khoa thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ) chỉ mua với giá là 2.158.800.000 đồng; Tháng 7/2020, Sở Y tế Bạc Liêu mua với giá 2.518.000.000 đồng; Tháng 3/2021, Trung tâm Y tế huyện Tam Nông (Phú Thọ) mua với giá 2.630.000.000 đồng… Tháng 9/2020, Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) cũng chỉ mua thiết bị này với giá 2.646.000.000 đồng…

cong-ty-anh-khoa-2-1670989189.jpg

Gói thầu cung cấp thiết bị y tế ở Đồng Nai cũng không có đối thủ cạnh tranh

Không chỉ xảy ra ở Khánh Hòa, giá thiết bị mà Công ty Anh Khoa bán cho Bệnh viện Thống Nhất (Đồng Nai) ở gói thầu hơn 46 tỷ đồng cũng khiến nhiều người đặt ra nghi vấn về giá cả.

Cụ thể, ngày 21/6/2021, ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai) ký Quyết định số 104/QĐ-BVTN để phê duyệt cho Công ty TNHH Trang thiết bị Y tế Anh Khoa trúng “Gói thầu số 14 (thiết bị): Thiết bị y tế, chi tiết thiết bị theo Quyết định đính kèm” có giá trúng thầu là 46.355.475.000 đồng.

Ngày 8/6/2021, Giám đốc Phạm Văn Dũng đã ký Quyết định số 90/QĐ-BVTN để phê duyệt cho Công ty Anh Khoa là nhà thầu “duy nhất” lọt vào danh sách đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật. Việc này đặt ra vấn đề về tính “cạnh tranh, công bằng và tiết kiệm” trong đấu thầu ở đây, khi gói thầu có giá trúng lên đến hơn 46 tỷ đồng, không một nhà thầu nào cạnh tranh.

Không chỉ vậy, tại gói thầu trên, máy siêu âm 4D Model: EPIQ Elite (EPIQ 7G); Hãng sản xuất: Philips (Philips Ultrasound, Inc./ Mỹ), Công ty Anh Khoa bán với giá 4.988.000.000 đồng. Tuy nhiên, đối với thiết bị này, vào ngày 06/12/2021, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM chỉ mua của Công ty Anh Khoa với giá 3.598.800.000 đồng…

Giá thiết bị y tế cao thấp, khác nhau ở từng địa phương, đơn vị, đôi khi còn phụ thuộc vào linh phụ kiện theo kèm, chức năng, phần mềm, quản lý, đào tạo, thời gian bảo trì, bảo hành… Tuy nhiên, mức giá chênh lệch quá nhiều của một thiết bị cũng cần một lý giải rõ ràng.

Theo thống kê của một website chuyên về đấu thầu, đến nay Công ty TNHH Trang thiết bị Y tế Anh Khoa đã tham gia 186 gói thầu thì trúng 167 gói, tỷ lệ trúng thầu y tế của Công ty Anh Khoa là rất cao.