Công nhân khốn đốn với "tín dụng đen"

Admin
Khi công nhân không có khả năng trả nợ thì các đối tượng cho vay sẽ đe dọa, thậm chí hành hung, gây thương tích

Thời điểm cuối năm cận kề, hoạt động cho vay nặng lãi tại tỉnh Đồng Nai đang diễn biến phức tạp khi các đối tượng luôn tìm cách hoạt động với nhiều thủ đoạn tinh vi, khiến cuộc sống công nhân (CN) khốn đốn.

Thủ đoạn tinh vi

Chia sẻ tại chương trình "Điểm hẹn CN" do LĐLĐ tỉnh Đồng Nai tổ chức mới đây, ông Lê Nhật Trường, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Công ty TNHH Pousung Việt Nam (huyện Trảng Bom), cho biết "tín dụng đen" biểu hiện dưới 2 hình thức. Một là CN trong công ty cho vay với lãi suất cao hoặc rủ nhau chơi "hụi", khi vụ việc vỡ lở thì người cho vay tiền đã nghỉ việc. Hình thức thứ 2, một số đối tượng dán quảng cáo hoặc trực tiếp phát tờ rơi cho CN sau giờ tan ca. Rất nhiều CN do cần vay tiền để giải quyết khó khăn đột xuất đã liên hệ vay và sập bẫy "tín dụng đen".

Một băng nhóm hoạt động tín dụng đen tại KCN Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai bị bắt giữ

Đơn cử như trường hợp của chị N.N.H (22 tuổi), CN của doanh nghiệp đóng trên địa bàn phường Tân Hạnh, TP Biên Hòa. Cần tiền, chị H. đã vay nóng 45 triệu đồng của một đối tượng. Do không có khả năng chi trả, chị H. lâm vào thế đường cùng và phải dùng cái chết để "xóa nợ". Thế nhưng, các đối tượng cho vay vẫn không buông tha. Bà Tr.Th.N.B là mẹ của chị H. nhiều lần nhận được những cuộc điện thoại từ số lạ gọi đến với những lời lẽ đe dọa, xúc phạm, lăng mạ yêu cầu phải trả tiền thay con gái. Bà B. phải nhờ đến công an vào cuộc thì mới không bị làm phiền.

Trung tá Mai Đức Quang, Đội trưởng Đội Cảnh sát Kinh tế - Môi trường Công an TP Biên Hòa, cho biết tình hình tội phạm cho vay lãi nặng trên địa bàn TP thời gian qua diễn biến phức tạp, các đối tượng cho vay luôn tìm cách hoạt động với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi. Ngày 12-10, Công an TP Biên Hòa đã triệt phá đường dây cho vay nặng lãi với lãi suất 180%. Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận hoạt động cho vay nặng lãi dưới hình thức cho vay trả góp, với lãi suất lên tới 180%/năm. Chỉ tính riêng trong 3 tháng gần đây, các đối tượng này đã cho khoảng 50 khách hàng vay với số tiền hơn 3 tỉ đồng, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.

"Bóc lột" con nợ

Đại tá Trần Tuấn Triệu, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết hoạt động "tín dụng đen" xâm nhập vào các tầng lớp lao động, nhất là tại các KCN. Lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của CN, các đối tượng cho vay không cần thế chấp với thủ tục đơn giản. Do thiếu hiểu biết nên rất nhiều CN không lường được mức độ "bóc lột" của tín dụng đen.

Đại tá Triệu cho biết khi CN bấm vào quảng cáo cho vay tiền thì sẽ được gửi một app đến điện thoại. Khi đồng ý vay tiền, phần mềm này sẽ bắt buộc CN khai tên tuổi, điện thoại, thậm chí kết nối danh bạ điện thoại của họ. Khi CN không có khả năng chi trả, các đối tượng sẽ gọi cho người thân đe dọa, gây áp lực buộc phải trả tiền.

Chưa hết, CN còn bị các đối tượng cho vay hành hung, gây thương tích, ném đồ bẩn vào nhà, bêu xấu trên mạng xã hội…Thời gian qua, song song với việc đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, thủ đoạn của "tín dụng đen", Công an tỉnh Đồng Nai còn phối hợp với các địa phương tấn công trấn áp tội phạm tín dụng đen.

Theo thống kê, từ đầu năm 2020 đến nay, Đội Cảnh sát Kinh tế - Môi trường Công an TP Biên Hòa đã phát hiện, bắt, khởi tố 11 vụ, 25 đối tượng về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự (trong đó có 3 nhóm, 17 đối tượng).