Chủ động chuẩn bị cho phục hồi kinh tế

Kỳ Văn
Dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Do đó, trong giai đoạn từ nay đến cuối năm 2021, cần phải có những giải pháp tích cực và chủ động để chuẩn bị cho phục hồi kinh tế. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Thị Hương để làm rõ vấn đề này.

Các ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19. Trong ảnh: Sản xuất linh kiện điện lạnh tại Công ty TNHH Panasonic System Networks Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh). Ảnh: Nguyễn Quang

- Bà đánh giá thế nào về tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế nước ta?

- Nền kinh tế đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8-2021 giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 8 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng qua theo dõi, chỉ số sản xuất toàn ngành Công nghiệp đạt đỉnh tăng trưởng trong tháng 4 (tăng 23,7% so với tháng 4-2020), sau đó giảm nhanh trong 4 tháng liên tiếp. Cụ thể, tháng 5-2021 tăng 11,9%; tháng 6 tăng 4,9%; tháng 7 giảm 0,3% và tháng 8 giảm 7,4%. Trong khi đó, công nghiệp chế biến, chế tạo - vốn là động lực tăng trưởng, đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế, giảm mạnh trong tháng 8 tới 9,2%.

Sự sụt giảm nói trên cho thấy tác động nặng nề của dịch Covid-19 thời gian qua và dự kiến thời gian tới sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở hầu hết các địa phương cũng như của cả nước.

- Vậy còn tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động của doanh nghiệp như thế nào, thưa bà?

- Sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng các đợt giãn cách xã hội liên tiếp khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng qua là 85,5 nghìn đơn vị, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, số doanh nghiệp thành lập mới đạt 81,6 nghìn đơn vị, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 8 tháng là gần 2.672,8 nghìn tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2020.

- Xin bà cho biết, khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp đang gặp phải là gì?

- Doanh nghiệp đang đối diện với tình trạng thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào; gặp khó khăn trong lưu thông hàng hóa làm đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng, trong khi chi phí vận chuyển, lưu kho tăng cao. Thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu bị thu hẹp do nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh. Nhiều đơn vị thiếu vốn cho sản xuất, kinh doanh do hạn chế về tiềm lực tài chính, khả năng thanh khoản của doanh nghiệp suy yếu dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngoài ra, chi phí sản xuất tăng cao do phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch; tình trạng không có đủ lực lượng lao động đã khiến nhiều doanh nghiệp không thể giao hàng đúng hạn, phải giãn hoặc hủy hợp đồng đã ký.

- Vậy, theo bà, cần có những giải pháp khắc phục khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng nào?

- Nhiệm vụ ưu tiên nhất hiện nay là sớm kiểm soát được dịch bệnh trong thời gian còn lại của quý III-2021, để từng bước mở cửa nền kinh tế, tập trung nguồn lực khôi phục sản xuất, kinh doanh. Đây là yêu cầu cấp thiết để tránh tác động dài hạn đến động lực tăng trưởng của nền kinh tế, làm suy giảm, cạn kiệt sức chống chịu của doanh nghiệp. Tiếp đó, triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phục hồi sản xuất... Một nhóm nhiệm vụ quan trọng khác, đó là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt nhằm vừa kiềm chế lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; rà soát, hoàn thiện các quy trình thủ tục, bảo đảm đơn giản, thuận tiện cho triển khai dự án đầu tư công và mở rộng hợp tác công tư…

Cùng với đó, cần tăng cường đối thoại chính sách, xúc tiến đầu tư tại chỗ, nắm bắt tình hình, có biện pháp kịp thời, phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng, thực hiện kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh phù hợp với diễn biến của dịch Covid-19 tại các địa phương. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp về thị trường; cắt giảm chi phí về logistics, vận tải...

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 đã cụ thể hóa nhiều chính sách, với mục tiêu tập trung khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn cản trở sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản.

- Trân trọng cảm ơn bà!