Chờ gì ở mùa đại hội đồng cổ đông ngân hàng 2021?

Kỳ Văn
Không chỉ cổ tức, nhân sự cũng đang nhận được nhiều quan tâm của thị trường.

Cân đối mục tiêu kinh doanh

Nhiều ngân hàng đã bắt đầu công bố lịch tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021, như PGBank dự kiến tổ chức vào ngày 9/3, BIDV vào ngày 12/3; VIB và MSB cùng dự kiến đại hội vào ngày 24/3. Trong khi các nhà băng lựa chọn tháng 4 để đại hội hiện có: ACB ngày 6/4, VietinBank dự kiến tổ chức ngày 16/4, SHB vào ngày 22/4, sau đó một ngày tới Sacombank… Đặc biệt, Eximbank sau nhiều lần trì hoãn ĐHĐCĐ trong năm 2020 thì mới đây đã thông qua Nghị quyết triệu tập họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 lần 3 diễn ra vào ngày 26/4, ĐHĐCĐ năm 2021 tổ chức vào ngày 27/4.

Chờ gì ở mùa đại hội đồng cổ đông ngân hàng 2021? - Ảnh 1.

Mục tiêu kinh doanh, nhân sự vẫn là chủ đề được quan tâm tại ĐHĐCĐ sắp tới

Theo các chuyên gia, mục tiêu kinh doanh năm 2021 luôn nhận được sự quan tâm của các cổ đông, nhất là trong bối cảnh dịch Covid vẫn diễn biến phức tạp hiện nay. Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia tài chính cho rằng, kinh tế vĩ mô đang duy trì kết quả tương đối khả quan, dấu hiệu rủi ro, bất trắc đến từ yếu tố dịch bệnh cũng dần được kiểm soát, nền kinh tế thế giới bắt đầu có sự phục hồi thì các nhà băng cũng có quyền ấn định, thiết lập một mục tiêu kinh doanh khả quan hơn. Hay nói cách khác, đây sẽ là bàn đạp, tạo nền tảng để các ngân hàng có thể thiết lập những mục tiêu kinh doanh khởi sắc hơn so với năm trước.

Theo TS. Châu Đình Linh – Đại học Ngân hàng TP.HCM, mục tiêu kinh doanh của ngân hàng sẽ phải dựa trên phân tích về yếu tố bên ngoài, bên trong, từ đó sẽ nhìn nhận được cơ hội và thách thức, điểm mạnh, điểm yếu, đưa vào các ma trận để xác định được hướng phát triển sắp tới. "Hướng chiến lược phải dựa trên yếu tố bên ngoài, bên trong và phải được lượng hoá bằng số liệu để tìm ra hướng đi theo thứ tự ưu tiên riêng có, vì điểm mạnh, điểm yếu của mỗi ngân hàng là không giống nhau. Ví dụ có ngân hàng không đặt mục tiêu lợi nhuận quá cao, thay vào đó tập trung chuyển đổi chiến lược số; hay có những ngân hàng tích cực tập trung xử lý nợ xấu, kiện toàn Basel, khai phá thêm những mặt mạnh khác…", TS. Linh chia sẻ.

Chiến lược nhân sự

Theo các chuyên gia, tăng vốn sẽ tiếp tục được nhiều ngân hàng đặt ra tại mùa đại hội cổ đông năm nay bởi tăng vốn sẽ giúp gia tăng năng lực cạnh tranh của các ngân hàng, giúp ngân hàng phát triển ổn định, bền vững hơn trong tương lai. Tuy nhiên chính sách cổ tức luôn gắn liền với kế hoạch tăng vốn của mỗi ngân hàng. Bởi vậy, ngay khi các ngân hàng công bố kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ, sự chú ý của các cổ đông tiếp tục đổ dồn vào kế hoạch chia cổ tức khi mà năm vừa qua, kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng khá tích cực. Sự quan tâm càng thêm lớn khi cổ phiếu ngân hàng thời gian qua tăng khá cao và được dự báo tiếp tục tăng giá.

Như trường hợp VietinBank, nhà băng đã thông qua phương án trả cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ 5% theo mệnh giá, tương đương cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 500 đồng. Sau khi trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt, lợi nhuận giữ lại của ngân hàng này là hơn 3.886 tỷ đồng, cộng với lợi nhuận sau thuế và trích quỹ của năm 2017-2018 sẽ được dùng làm nguồn trả cổ tức bằng cổ phiếu, tăng vốn điều lệ cho ngân hàng.

Hay tại VIB, 2021 là năm thứ 2 VIB trình phương án không chia cổ tức tiền mặt để tăng vốn và tập trung phát triển các mảng kinh doanh trọng yếu. Dự kiến, VIB sẽ trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn, bao gồm tăng vốn bằng hình thức chia cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu 40% và dự kiến phát hành chào bán cổ phiếu…

Không chỉ cổ tức, nhân sự cũng đang nhận được nhiều quan tâm của thị trường. Trước thềm đại hội, ngày 23/2 HĐQT VietBank đã có thông báo chính thức về việc ông Bùi Xuân Khu - nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương thay thế ông Dương Ngọc Hòa để ngồi ghế Chủ tịch HĐQT.

Hay như HĐQT Kienlongbank cũng đã tiến hành họp và bầu ông Lê Hồng Phương giữ chức Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2018-2022 kể từ ngày 1/2/2021. Năm 2021, Kienlongbank đặt mục tiêu đẩy mạnh xử lý hoàn tất các khoản nợ có tài sản thế chấp là cổ phiếu STB của Sacombank và đưa tổng nợ xấu của Kienlongbank về mức dưới 2% tổng dư nợ; hạn chế nợ xấu mới phát sinh, quản lý rủi ro; gia tăng thu nhập từ dịch vụ phi tín dụng...

Ngoài 2 ngân hàng trên, kiện toàn nhân sự cấp cao dự kiến sẽ là điểm nóng tại ĐHĐCĐ thường niên sắp tới tại nhiều ngân hàng khác. Các chuyên gia cho rằng, con người luôn là yếu tố then chốt nhất trong chiến lược phát triển của các ngân hàng. Ngân hàng muốn phát triển tốt hơn phải xác định được chiến lược trên nguồn lực của mình, phải ấn định được mục tiêu và chia sẻ mục tiêu đó xuống từng bộ phận. Nhìn chung, "trong có ấm, ngoài mới êm", vị trí lãnh đạo cấp cao liên quan rất nhiều tới định hướng chiến lược của ngân hàng thời gian tới.

"Chuyện biến động nhân sự cũng là điều bình thường, biến động nhân sự phải đặt trong tổng thể hoạt động kinh doanh và từng trường hợp ngân hàng một. Lấy ví dụ một ngân hàng A hiệu quả kinh doanh chỉ ở mức trung bình, dấu ấn thương hiệu mờ nhạt, tổng tài sản khiêm tốn, gần như chưa có bứt phá gì thì việc thay đổi nhân sự cấp cao nhằm mục đích tìm ra chiến lược mới tốt hơn cho sự phát triển của ngân hàng. Nhà băng nào đang tương đối ổn định, lộ trình chiến lược cũng gắn với lãnh đạo cấp cao đương nhiệm thì việc thay đổi giữa dòng, xáo trộn về con người gần như rất ít.

Ví dụ với trường hợp Kienlongbank, sau khi ngân hàng này bắt tay hợp tác với Sunshine Group, đầu năm 2021, nhà băng này đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường 2021 (ngày 28/01) về nhân sự cấp cao. Theo đó có những cái tên tới từ Sunshine Group. HĐQT Kienlongbank kỳ vọng, nhân sự mới sẽ cùng các thành viên triển khai thành công quá trình chuyển đổi chiến lược toàn diện của Kienlongbank giai đoạn 2021-2030, trở thành ngân hàng cung cấp dịch vụ trên nền tảng số. Thị trường cũng đã ghi nhận có sự xuất hiện của KSBank – thương hiệu ngân hàng số của Kienlongbank.