Chính sách tài khóa giúp doanh nghiệp, người dân tăng 'sức đề kháng' vượt sóng gió Covid-19

Kỳ Văn
Các chính sách hỗ trợ về tài khoá của Chính phủ đã và đang phát huy hiệu quả, là "liều thuốc trợ lực" kịp thời giúp cộng đồng doanh nghiệp và người dân tăng "sức đề kháng", bước đầu trụ vững trước những khó khăn do đại dịch Covid-19.
Chính sách tài khóa giúp doanh nghiệp, người dân tăng 'sức đề kháng' vượt sóng gió Covid-19
Chính sách tài khóa của Chính phủ thời gian qua đã góp phần giúp doanh nghiệp vượt khó Covid-19. (Nguồn: CafeF)

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, đặc biệt là chính sách về thuế, để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do đại dịch gây ra.

Tính đến thời điểm hiện tại, chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp các khoản thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí đã được triển khai, với tổng giá trị hơn 148,7 nghìn tỷ đồng. Nhờ vậy, doanh nghiệp, hộ kinh doanh có thêm nguồn lực tài chính duy trì và phục hồi sản xuất, kinh doanh và đóng góp tích cực vào kết quả phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Những chính sách kịp thời

Năm 2020, ngay từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện, Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách về gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất; miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với dịch bệnh.

Cụ thể như: chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025; giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với các đối tượng trả tiền thuê đất hàng năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020; điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế để giảm nghĩa vụ thuế cho cá nhân; gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho hầu hết các đối tượng là doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19; miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng khẩu trang y tế, nguyên liệu để sản xuất khẩu trang... để phục vụ việc phòng chống dịch bệnh.

Bước sang năm 2021, đại dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế-xã hội, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất các chính sách để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

Trong đó, có đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021; giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng; tiếp tục giảm mức thu 30 loại phí, lệ phí đến hết năm 2021; thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch; gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất trong năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19...

Song song với các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, Bộ Tài chính đã ưu tiên bố trí chi ngân sách nhà nước cho công tác phòng, chống dịch, đảm bảo đời sống cho người dân.

Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1376/QĐ-TTg ngày 01/8/2021 bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2021 của Bộ Y tế số tiền 5.100 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021 để mua vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm, hóa chất thuốc phục vụ phòng, chống Covid-19.

Song song với đó, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo dự kiến, sẽ có trên 14,95 triệu người lao động được nhận hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp với tổng kinh phí 26 nghìn tỷ đồng.

"Chính sách miễn, hoãn, giảm thuế, tiền thuê đất sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước, nhưng sẽ tránh tình trạng doanh nghiệp đóng cửa, giải thể, rút lui khỏi thị trường, gây ra suy thoái cả nền kinh tế và ảnh hưởng đến thu ngân sách lâu dài. Việc miễn, hoãn, giảm thuế, tiền thuê đất là biện pháp chấp nhận hụt thu trước mắt để nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài dựa vào khả năng phục hồi của doanh nghiệp" - GS.TS. Hoàng Văn Cường

Đáng chú ý, mới đây, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng gói hỗ trợ mới từ giảm thuế và đang tiến hành lấy ý kiến đối với việc ban hành một số giải pháp về thu ngân sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đáng chú ý, dự thảo Nghị quyết đưa ra 4 nhóm chính sách, trong đó có đến 3 nhóm chính sách lần đầu tiên được đề xuất kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam.

Cụ thể, dự thảo Nghị quyết do Bộ Tài chính xây dựng có quy định giảm 30% số thu thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng. Giảm 50% số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III, IV/2021 với hộ và cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn, hình thức khai thuế, nộp thuế.

Giảm thuế VAT kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2021 với doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong một số ngành dịch vụ, gồm vận tải (đường sắt, đường thủy, hàng không, đường bộ); dịch vụ lưu trú và ăn uống; hoạt động chiếu phim; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch… Doanh nghiệp, tổ chức có hoạt động kinh doanh dịch vụ quy định tại khoản này thực hiện nộp thuế VAT theo phương pháp khấu trừ được giảm 30% mức thuế suất thuế VAT…

Dự thảo cũng quy định miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, năm 2019, năm 2020. Không xử lý phạt đối với các trường hợp đã nộp tiền chậm nộp.

So với các chính sách thuế ưu đãi trước đây, chính sách được đề xuất lần này mạnh mẽ, mang tính đột phá, hỗ trợ thực chất đối với doanh nghiệp, người dân khi được giảm, miễn, chứ không chỉ là gia hạn thuế, bảo đảm bất cứ người nộp thuế nào cũng được hưởng lợi. Sự hỗ trợ của nhà nước đã tạo ra nguồn lực đáng kể giúp doanh nghiệp tăng cường "sức đề kháng", vượt qua khó khăn do Covid-19 gây ra.

Chấp nhận hụt thu trước mắt, nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định, trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp hiện nay, dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp thu ngân sách nhà nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân kinh doanh chịu tác động của dịch Covid-19 là cố gắng rất lớn.

Đánh giá về gói hỗ trợ mới từ giảm thuế của Bộ Tài Chính, ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đối với việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021, việc giảm thuế này tiếp nối từ chính sách năm 2020 đã được chứng minh là trợ lực rất cần thiết cho doanh nghiệp có thêm nguồn lực trước mắt duy trì hoạt động.

Giải pháp giảm 50% cho hộ kinh doanh thuế cho các hộ gia đình và cá nhân kinh doanh mọi ngành nghề lĩnh vực địa bàn là gói lớn cho 6 tháng cuối năm 2021, trong đó, đáng chú ý là diện được hỗ trợ mở rộng, miễn giảm thuế với các hộ kinh doanh nhiều địa phương, đặc biệt đang gặp nhiều khó khăn do yêu cầu phải giãn cách xã hội.

Giải pháp giảm thuế VAT với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ như vận tải, du lịch, nhà hàng, khách sạn là hết sức cấp thiết, đặc biệt trong điều kiện giãn cách xã hội, thu nhập doanh nghiệp ở lĩnh vực này giảm đi, hoặc thua lỗ, người lao động gặp nhiều khó khăn.

Ông Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh: "Chính phủ đã có chính sách về tài khoá và các chính sách mà ngành ngân hàng đang triển khai quyết liệt như giãn nợ, không chuyển nhóm nợ, miễn giảm lãi vay; các gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ hỗ trợ người lao động…; miễn giảm tiền đóng bảo hiểm… Đây là những giải pháp tổng hợp thể hiện sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân".

Còn theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân GS.TS. Hoàng Văn Cường, trong bối cảnh ngân sách nhà nước rất hạn hẹp, Chính phủ vẫn dành ra nhiều khoản chi; nhiều chính sách sách miễn, giảm, giãn các khoản thuộc nghĩa vụ phải nộp của người dân, doanh nghiệp; hỗ trợ các hộ kinh doanh mất nguồn thu, hỗ trợ người dân mất việc, hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động, giảm tiền điện, nước, viễn thông… là động thái rất đáng trân trọng và đáp ứng được những nhu cầu cấp bách.

GS.TS. Hoàng Văn Cường khẳng định: "Việc thực hiện giảm, hoãn thuế là giải pháp có tính phổ biến rộng, bao trùm nhiều đối tượng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có điều kiện phục hồi, tích lũy bù đắp lại chi phí cho phòng, chống dịch. Đồng thời, chính sách miễn, hoãn, giảm thuế, tiền thuê đất sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước, nhưng sẽ tránh tình trạng doanh nghiệp đóng cửa, giải thể, rút lui khỏi thị trường, gây ra suy thoái cả nền kinh tế và ảnh hưởng đến thu ngân sách lâu dài.

Việc miễn, hoãn, giảm thuế, tiền thuê đất là biện pháp chấp nhận hụt thu trước mắt để nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài dựa vào khả năng phục hồi của doanh nghiệp”.