Bộ trưởng Tài chính: Chưa chốt quy mô gói kích thích kinh tế

Kỳ Văn
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết có thể có gói 10.000-20.000 tỷ hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp còn gói kích cầu tổng thể đang được tính toán, chưa chốt cụ thể.

Bên hành lang Quốc hội sáng 28/10, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ với báo chí về kế hoạch của các gói kích thích kinh tế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch.

bo-truong-bo-tai-chinh-1635420991.jpg

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc.

Ông cho biết, gói kích cầu hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp ở một số ngành nghề nhất định và một số công trình trọng điểm đang được tính toán. Riêng gói này theo ông dự tính khoảng 10.000-20.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ cũng nghiên cứu phát hành công trái, trái phiếu ngoại tệ trong nước.

Để tăng thu cho ngân sách, các cơ quan chức năng sẽ tập trung thu thuế những nền tảng còn dư địa như tăng thu trong nền tảng số, bán hàng online, các nền tảng xuyên biên giới; đẩy mạnh các hoạt động chống chuyển giá trốn thuế. Đồng thời, các cơ quan nhà nước cũng thực hiện thắt chặt chi tiêu, như giảm 10% chi thường xuyên, tiết kiệm 5% chi công tác phí, hội nghị.

"Các gói tổng thể đang thiết kế nên chưa có số lượng cụ thể. Cơ quan tham mưu sẽ đưa ra nhiều phương án để trình các cấp", ông Phớc cho hay.

Theo Bộ trưởng Tài chính, Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII nêu bội chi giai đoạn 5 năm tới là 3,7%. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh hiện nay, cần đưa ra gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tức là "phải chấp nhận bội chi tăng lên". Sau khi nền kinh tế ổn định, phát triển, ông cho biết sẽ giảm tỷ lệ này.

Chia sẻ thêm cũng bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), cho rằng gói chính sách này cần cứu được doanh nghiệp và kích thích được động lực tăng trưởng mới. Đặc biệt, đặt trong bối cảnh chiến lược tổng thể, quá trình tái khởi động kinh tế, cần có một chương trình ngắn hạn phục hồi kinh tế trong năm 2022-2023.

Bên cạnh sự yểm trợ về tài khoá, ông đề xuất trong giai đoạn phục hồi ngắn hạn này, Chính phủ nên ban hành cơ chế đặc thù về các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, đảm bảo đơn giản, giảm thanh tra kiểm tra, tạo môi trường thuận lợi cho hồi phục sản xuất kinh doanh. "Cần chuyển công tác kiểm soát nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm, giảm các thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp", ông nói.

Trước đó, tại buổi làm việc với VCCI và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân chiều 7/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết sẽ có gói hỗ trợ với quy mô lớn hơn, liều lượng hợp lý nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kích thích và phục hồi kinh tế.

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV sáng 20/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết, Chính phủ sẽ khơi thông mọi nguồn lực cho phòng, chống dịch và đầu tư, sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Chính phủ sẽ điều chỉnh linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác.