Báo giấy giữa dòng chảy thời gian

Admin
Chỉ khoảng 5 năm trở về trước, báo giấy (báo in) được xem như món ăn tinh thần không thể thiếu trong mỗi ngõ ngách, con đường, phố chợ, không gian sống của người dân Sài Gòn. Thế rồi thời đại công nghệ, báo điện tử lên ngôi; Báo giấy đìu hiu, dần lùi sang một góc với niềm hoài cổ. Dẫu biết rằng thời gian dâu bể với vô vàn đổi thay nhưng đâu đó giữa lòng phố thị vẫn còn những con người ngày ngày âm thầm gìn giữ nét dư vị của một thời không gì thay thế được.

Mùi giấy mực - mùi của ký ức và huy hoàng

Tháng 6, TP Hồ Chí Minh hay mưa bất chợt. Mới 7h sáng, trời chuyển u ám, sạp báo “cô Nga” phải loay hoay chuẩn bị đồ nghề để sạp báo tránh bị ướt. Cũng may, hôm nay mưa chỉ nhỏ vài giọt rồi lại thôi.

Sạp báo nằm ngay góc đường Lý Chính Thắng và Trần Quốc Thảo (Quận 3). Chủ sạp là cô Đinh Thị Nga, năm nay 65 tuổi nhưng đã bán báo tại đây đến 27 năm. Cô kể, ngày trước bán mê lắm, sáng sớm khách đến mua rôm rả không ngớt, có ngày bán cả nghìn tờ các loại. Giờ thì…

Tại sạp của cô có đủ các tờ báo, tạp chí, tuần san, được bài trí gọn gàng, thu hút. Đường phố tấp nập người qua nhưng dừng chân ghé lại lác đác vài người. “Trông thì như vậy nhưng bán có được mấy đâu cháu ơi. Xưa bán 10, giờ còn 1…”, vừa đưa tay chỉnh lại xấp báo, cô nói.

bao-giay-giua-dong-chay-thoi-gian-kinhtevadoisongvn-1687326508.jpg
Sạp báo 27 năm, ngay góc đường Lý Chính Thắng và Trần Quốc Thảo (Quận 3) của cô Đinh Thị Nga

Hơn 5 năm trước, đường Lý Chính Thắng dài chưa đầy 1,7km nhưng có khoảng 20 sạp báo thế mà giờ chỉ còn mỗi sạp cô Nga. Cô cho biết, một số báo bán chạy như Tuổi trẻ, Thanh niên, Phụ nữ, Người lao động, Pháp luật TP Hồ Chí Minh… giờ mỗi ngày cũng chỉ bán vỏn vẹn vài chục tờ. Một số báo thì đi giao nhưng số lượng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

“Các tạp chí, tuần báo, tất cả đều bán “đứt” - nghĩa là phải đặt trước để lấy và giao cho người ta theo số lượng. Số báo và tạp chí còn lại đều do tòa soạn gửi bán cả”, cô chia sẻ.

Có lẽ sự nuối tiếc nhất của cô Nga là tờ Tuổi trẻ và Đời sống (ấn phẩm của báo Tuổi trẻ Thủ đô). “Báo Tuổi trẻ và Đời sống hồi xưa bán chạy dữ lắm! Đến giờ, nhiều người vẫn cứ hỏi thăm sao báo chưa ra lại…”, cô Nga nhắc về tờ báo với sự tiếc nuối.

Bán báo như một cơ duyên, thế rồi nó gắn với cuộc đời cô Nga như một kiếp người. “Bán hên xui, có lúc hết lúc còn. Bán phải canh, mình lấy bao nhiêu phải bán hết, chứ bán không hết coi như ế. Giờ chỉ còn bán được cho người lớn tuổi đọc thôi. Gian hàng trưng bày hoành tráng như vậy nhưng thu nhập còn thua bán vé số dạo. Ngay cả một số tạp chí cũng khó khăn, ra báo cũng không theo lịch nữa”, cô tâm sự.

thoi-quen-1687326556.jpg
Thói quen mua báo đọc buổi sáng trở thành nét đẹp bình dị giữa lòng phố thị

Trên chiếc xe đạp cũ kĩ là một xấp các loại báo, cô Trần Thị Lệ, 58 tuổi nhưng đã có gần 30 năm giao báo. Cô cho biết, mỗi ngày giao gần 200 tờ các loại. “Giờ người ta xem trên mạng, chứ một số tờ báo lẻ này ngày xưa cô bán gấp đôi…”, nói rồi cô vội lên xe, đạp đi giao cho kịp giờ buổi sáng.

Trên con đường tìm lại những hoài cổ xưa, có sạp báo của chú Nguyễn Văn Ngọc nằm góc đường Bùi Thị Xuân giao Tôn Thất Tùng (Quận 1). Thời gian thấm thoát, “quầy thông tin” của chú Ngọc đã đón cái tuổi 30, vẫn ở một góc đường nhộn nhịp nhưng lại âm thầm, bền bỉ lưu giữ vô vàn ký ức.

Chú Ngọc bồi hồi nhớ lại một thời huy hoàng của mười năm về trước. Khi báo giấy thịnh hành, chú bán đắt hàng biết bao nhiêu, nhất là mấy số báo có đưa thông tin về điểm các kì thi, có lúc còn “bán không kịp”. Ngược lại, bây giờ chỉ còn những khách quen mua báo, mỗi ngày xấp xỉ 100 tờ - con số có phần “khiêm tốn” so với hàng trăm, hàng chục nghìn cú click trên báo điện tử hay mạng xã hội ngày nay.

quay-thong-tin-cua-chu-nguyen-van-ngoc-da-ngot-30-1687326623.jpg
Quầy thông tin” của chú Nguyễn Văn Ngọc đã ngót 30 năm

Chú Ngọc chia sẻ thêm, mấy năm trước, ngoài các tờ báo đã quen với độc giả phía Nam như Tuổi trẻ, Người Lao động, Thanh niên... thì tờ Tuổi trẻ và Đời sống cũng bán rất chạy, vì nội dung hay… nhưng rồi tất cả vàng son ấy… cũng qua rồi.

Bác Nguyễn Văn An, năm nay 72 tuổi nhưng đã có thói quen đặt báo giấy hơn 40 năm. “Tôi đọc báo từ sáng sớm, khi mùi giấy, mùi mực in chưa ráo hẳn. Đọc báo giấy quen, mình thích vừa đọc vừa nghĩ chậm rãi, sống chậm rãi giữa đô thị xô bồ, ồn ã này. Giờ ngồi nhâm nhi cà phê góc quán với những bạn già trò chuyện, cầm trên tay tờ báo, bàn luận sự đời cũng thấy thú vị vô cùng”, bác An thích thú nói.

Vẫn dung dị giữa đời

Chú Truyện năm nay ngót nghét 82 tuổi, hằng ngày vẫn mưu sinh bằng những cuốc xe ôm. Như thành thói quen, mỗi sáng chú lại ngồi góc đường Nguyễn Trãi - Nguyễn Văn Nguyễn (Quận 1), vừa đợi khách vừa “thưởng thức” báo như một cái thú thư giãn.

Tâm sự cùng chú Truyện, được biết chú đã giữ thói quen đọc báo giấy hàng chục năm nay. Với chú, đây cũng là cách giúp cập nhật thông tin thời sự, xã hội tại TP Hồ Chí Minh và đất nước mỗi ngày.

“Báo mạng bây giờ đưa thông tin quá nhiều, tràn lan đến cảm giác ngột ngạt, mỏi mắt… Một số thông tin còn mơ hồ, thiếu xác thực nên tôi rất ít khi đọc trên đây. Báo giấy tuy thông tin, hình ảnh ít hơn báo mạng nhưng các bài phân tích, bình luận rất chuyên sâu...”, chú Truyện gật gù.

vua-doi-khach-vua-thuong-thuc-bao-giay-nhu-mot-cai-thu-thu-gian-cua-chu-1687326673.jpg
Vừa đợi khách vừa “thưởng thức” báo giấy như một cái thú thư giãn của chú Truyện

Ngồi cà phê cùng bạn bè tại một quán nước nho nhỏ góc đường số 45 (Phường 6, Quận 4), chú Mạnh (56 tuổi) cho biết, đây là lối sinh hoạt thường xuyên của chú vào mỗi buổi sáng.

Nhâm nhi tách cà phê, nghiền ngẫm tờ báo trên tay, chú Mạnh tâm đắc: “Báo giấy quả thực với tôi rất hấp dẫn, lối viết giản dị nhưng cuốn hút…”, thế rồi chú lại thoáng buồn: “Ấy vậy mà cũng mất dần chỗ đứng so với báo mạng ngày nay”…

Là người hoài cổ, việc đọc báo giấy mỗi sáng dường như đã trở thành sở thích của chú Mạnh chứ không đơn thuần còn là thói quen.

bao-giay-1687326732.jpg
Việc đọc báo giấy mỗi sáng dường như đã trở thành sở thích của chú Mạnh chứ không đơn thuần là thói quen

“Từ việc đi bộ đến sạp mua một tờ nhật báo, lật từng trang, liếc mắt đọc từng dòng tin tức nóng hổi và cả cái mùi giấy mực mới phảng phất trong không khí buổi sớm Sài Gòn... tất cả tạo nên trong tôi một cảm xúc dung dị khó tả mà báo mạng không thể nào mang lại được”, chú Mạnh tâm sự.

Vĩ thanh

Nghề bán báo nhiều người cho là kiếm tiền lẻ nhưng với những cô chú đã sống với nó mấy mươi năm thì cái nghề này tình nghĩa và thú vị vô cùng. Mọi người chỉ cần nhìn xe, nhìn dáng, nhìn mắt dù đang mang khẩu trang nhưng vẫn biết ngay người đó lấy báo gì. Có khi vắng một ngày là lại thấy nhớ nhớ, dù là khách mua quen mấy chục năm nhưng chỉ biết mặt, chào hỏi qua vài câu rồi cũng chẳng biết tên nhau.

Người ta nói rằng, đọc báo giấy thường sống lắng đọng, chiêm nghiệm, quan sát, chan hòa… Người bán, người đọc bây giờ phần đông có tuổi, trông họ có cảm giác rất thi vị như những người muôn năm cũ vậy.

Báo in trong lòng độc giả vẫn là những gì “cũ” nhưng “kỹ”, bởi sự thẩm thấu, sâu sắc trong mỗi bài viết cùng việc lưu giữ có nét “cổ xưa” đã giúp nó vẫn có vị trí nhất định trong lòng những độc giả trung thành qua bao năm tháng.