'Bão' giá xăng dầu tăng cao tác động thế nào đến kinh tế?

Kỳ Văn
Giá xăng trong nước vừa tăng lên mức cao chưa từng có, nhiều chuyên gia cảnh báo những tác động xấu sẽ lập tức ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam.

TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, phân tích: “Xăng dầu cứ tăng 10% thì làm cho lạm phát tăng 0,36 điểm phần trăm và kịch bản tăng trưởng kinh tế giảm 0,5 điểm phần trăm. Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng đến giá các nguyên liệu đầu vào khác như phân bón, thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng…Từ đó ảnh hưởng dây chuyền đến cả nền kinh tế”.

'Bão' giá xăng dầu tăng cao tác động thế nào đến kinh tế? - 1

Giá xăng trong nước đang đắt nhất lịch sử. (Ảnh minh họa: Phạm Duy)

Theo ông Lâm, kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Trong hoạt động sản xuất hàng hoá và dịch vụ, tuỳ theo quy trình sản xuất của mỗi ngành, có thể thấy hầu hết các ngành dù nhiều hay ít đều sử dụng xăng dầu. Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy xăng dầu chiếm tỷ trọng cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm.

Giá xăng dầu tăng chắc chắn tác động rất mạnh tới các ngành sử dụng nhiều xăng dầu như đánh bắt thủy sản, vận tải hàng hóa và hành khách đường bộ, đường thủy và đường hàng không. Trong đó, chịu ảnh hưởng trực tiếp, nhanh chóng và nặng nề nhất là doanh nghiệp vận tải. "Giá xăng E5 RON92 đang là 28.959 đồng/lít, xăng RON95 thì đắt nhất lịch sử ở mức 29.988 đồng/lít, dầu diesel là 26.650 đồng/lít. Mức giá này đã chạm đến ngưỡng chịu đựng của các doanh nghiệp vận tải", ông Lâm nhận xét.

Thừa nhận thực trạng này, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng, từ đầu năm đến nay giá xăng dầu đã tăng nhiều lần và hiện cao kỷ lục, gây ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp vận tải.

Theo tính toán của ông Liên, xăng dầu chiếm 45-50% tổng chi phí của ngành vận tải, vì thế giá xăng dầu liên tục tăng cao sẽ khiến nhiều doanh nghiệp vận tải làm ăn thua lỗ, thậm chí nguy cơ phá sản. Đáng lo là tình trạng này có thể kéo dài, do tình hình căng thẳng Nga - Ukraina và cấm vận của các nước phương Tây đối với Nga đã đẩy thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng, nhiên liệu.

“Giá vé từ trước đến giờ không đổi, chỉ có xăng dầu và các chi phí khác là tăng liên tục. Ngoài ra, người dân vẫn lo ngại dịch bệnh nên ít tham gia giao thông công cộng hơn, doanh thu của ngành vận tải vì thế cực kỳ khó khăn”, ông Liên nói.

Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, nhiều chuyên gia cũng lo ngại giá xăng dầu tăng còn đẩy giá hàng hóa trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế. Các mặt hàng sẽ tăng giá kiểu "tát nước theo mưa", ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân.

Nhận định về tác động của giá xăng dầu tăng cao thời điểm hiện nay, TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia - cho rằng, giá xăng dầu chắc chắn sẽ đánh thẳng vào lợi nhuận của các doanh nghiệp, khi mà các mặt hàng, chi phí khác tăng theo.

“Để chống đỡ với giá xăng dầu, các doanh nghiệp phải đa dạng hóa nguồn cung, đa dạng hóa thị trường để phân tán rủi ro, tích trữ nhiên liệu cho sản xuất, kinh doanh. Chúng tôi cũng mong Chính phủ kiểm soát giá xăng dầu để không ảnh hưởng đến khả năng phục hồi nền kinh tế, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển”, ông Lực nói.

Trong khi đó, đại diện nhiều doanh nghiệp than rằng giá xăng dầu tăng cao đã không chỉ chặn đứng đà hồi phục sau dịch bệnh COVID-19 mà còn đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó cạnh tranh và dẫn đến một trạng thái khủng hoảng mới.

Lãnh đạo một doanh nghiệp taxi trên địa bàn Hà Nội, cho biết đa số doanh nghiệp vận tải đều không gồng gánh nổi chi phí. Nếu giá xăng cứ tiếp tục tăng, chỉ còn cách tăng giá vé hoặc tạm dừng hoạt động.

Chiều 11/5, liên bộ Công Thương - Tài chính công bố điều chỉnh giá xăng dầu theo hướng tăng hầu hết các mặt hàng.

Cụ thể, xăng E5RON92 tăng 1.491 đồng/lít, giá bán lẻ là 28.959 đồng/lít; xăng RON95 tăng 1.554 đồng/lít, giá bán ra không cao hơn 29.988 đồng/lít.

Tương tự, giá dầu diesel tăng 1.120 đồng/lít, lên 26.650 đồng/lít.

Dầu hỏa tăng 1.340 đồng/lít, bán ra 25.168 đồng/lít.

Riêng dầu mazut giữ nguyên giá, bán ra không cao hơn 21.560 đồng/kg.