Theo số liệu Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2023 đạt 1,79 triệu tấn và 952 triệu USD, tăng 19,3% về khối lượng nhưng tăng 30,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022 do giá gạo tăng 9,2%, bình quân 532 USD/tấn.
Được mùa, được giá
Tính đến 2 tháng đầu năm, nhiều thị trường đạt mức tăng trưởng rất cao như: Trung Quốc (thị trường nhập khẩu thứ 2) nhập 152.640 tấn, tương đương 90 triệu USD, tăng 86% về lượng và tăng 120% giá trị. Indonesia thứ 3 với 144.000 tấn, tương đương 67 triệu USD, tăng hơn 33,7% về lượng và 30,3% về giá trị.
Ông Phan Thành Bắc, Chủ tịch HĐQT HTX Sơn Hòa (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang), cho biết nông dân vừa chốt sổ vụ thu hoạch lúa đông xuân với mức lợi nhuận từ 30 - 40 triệu đồng/ha. "Nông dân rất phấn khởi vì mức lợi nhuận cao so với mọi năm nhờ doanh nghiệp (DN) tăng giá thu mua, gạo được mùa, năng suất 8 - 8,5 tấn/ha. Giá phân bón giảm nên bà con nhẹ chi phí đầu vào. Nông dân đang xuống giống vụ hè thu, nếu tình hình thuận lợi có thể tiếp tục có lợi nhuận 20 - 30 triệu đồng/ha" - ông Bắc chia sẻ.
Ngành gạo có nhiều thuận lợi trong năm nay Ảnh: TẤN THẠNH
"Trung Quốc sau mở cửa nền kinh tế nhu cầu mua gạo rất mạnh. Đặc biệt, Indonesia có nhu cầu nhập khẩu đến 2 triệu tấn gạo, khả năng mua của Việt Nam chiếm 50% tổng sản lượng nên đầu ra rất thuận lợi. Trong khi đó, cuối năm 2022 xuất khẩu gạo tăng trưởng tốt, DN vét tồn kho để bán, không còn hàng cho năm nay nên nguồn cung không nhiều" - ông Đỗ Hà Nam phân tích.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho rằng giá gạo tăng cao không chỉ do nhu cầu tăng mà còn do Việt Nam cải thiện chất lượng gạo. "Gạo Việt Nam đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc nên được định giá cao hơn" - ông Tùng khẳng định.
Theo ông Tùng, năng suất sản xuất gạo hiện vẫn ổn định, nguồn cung đủ cho tiêu dùng trong nước và còn khoảng 7 triệu tấn dành cho xuất khẩu. "Dù vậy, thời tiết thất thường do tác động của biến đổi khí hậu nên việc chuẩn bị cho 2 vụ hè thu và thu đông phải được chuẩn bị kỹ, không được chủ quan để có kết quả tốt nhất" - ông Lê Thanh Tùng lưu ý.
Chờ giá tốt mới bán
Ông Lê Thanh Tùng khuyến nghị các DN không nên nóng vội trong khi ký hợp đồng, nhất là thời điểm không khớp với vụ thu hoạch. Điều này dẫn đến tình trạng buộc phải gom hàng để giao, tránh bị phạt hợp đồng tạo nên những cơn sốt giá ảo ở thị trường trong nước.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV (tỉnh Vĩnh Long), thông tin: "Hiện đơn hàng nhập khẩu gạo rất nhiều nhưng DN chờ giá tốt mới bán. DN không chú trọng những đơn hàng số lượng lớn thường giá thấp mà chủ yếu khai thác những đơn hàng đơn lẻ, giá tốt và sản phẩm gắn với thương hiệu của DN".
Ông Thành dự báo năm nay Việt Nam còn 2 đợt gạo tăng giá vào tháng 4 - 5 do nhu cầu nhập khẩu tăng và tháng 10 - 11 do gạo Thái Lan hết mùa trong khi nhiều nước cần nhập khẩu bổ sung. Có thể năm nay, ngành gạo Việt Nam sẽ tốt nhất trong 5 năm qua cả về đơn giá lẫn giá trị thu về.
Theo ông Thành, bối cảnh hiện nay DN chủ yếu trữ sẵn gạo trong kho rồi mới bán thay cho việc ký được đơn hàng rồi mới mua vào vì giá gạo tăng nóng như năm nay rất dễ xảy ra tình trạng giá mua vào cao hơn giá bán ra đã chốt. "Tuy nhiên, các ngân hàng cho vay thường giải ngân cho DN có hợp đồng xuất khẩu. Do đó, hiện chỉ những DN có vốn sẵn hoặc hạn mức vay ngân hàng cao thì việc kinh doanh xuất khẩu gạo mới hiệu quả" - ông Thành nói thêm.
Theo ông Đỗ Hà Nam, Việt Nam có ưu điểm trồng được 3 vụ lúa/năm, nông dân có thể tăng sản lượng khi thị trường thuận lợi. Nhưng hiện nay dù lợi nhuận ngành lúa đã tăng nhưng so với các ngành cây ăn trái vẫn còn cách xa nên xu hướng chuyển đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác vẫn tiếp diễn. Vì vậy, sản lượng gạo dành cho xuất khẩu gạo giảm. Đây cũng là định hướng chung của các cơ quan quản lý trong việc nâng chất lượng, giảm số lượng của toàn ngành.
Ông Đỗ Hà Nam cho rằng để người trồng lúa có lợi thì cần chính sách hỗ trợ nông dân có khả năng giữ lại gạo chờ giá cao mới bán. "Nếu họ không gặp áp lực phải bán lúa ngay sau khi thu hoạch để trang trải cho chi phí đầu vào, cuộc sống hằng ngày thì giá gạo sẽ giữ được ở mức cao, nông dân có lợi. Khi đó, về phần DN, việc trữ hàng chỉ một phần, hoạt động chủ yếu là dịch vụ xuất khẩu gạo cho nông dân hơn là kinh doanh xuất khẩu" - ông Nam nói.
Gạo Việt khẳng định vị thế
Sau khi gạo ST25 Việt Nam giành giải Gạo ngon nhất thế giới năm 2019, gạo Việt Nam đã thâm nhập vào phân khúc cao cấp nhất, giá xuất khẩu vượt 1.000 USD/tấn. Những năm gần đây, gạo Việt dần tăng sản lượng xuất khẩu sang những thị trường cao cấp như: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Úc... và đã tạo được uy tín. Mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Úc (kiêm nhiệm thị trường Vanuatu) thông tin 10 container gạo ST25 đầu tiên đã được xuất khẩu sang Vanuatu, sản lượng hợp đồng trong tương lai có thể lên đến cả ngàn tấn gạo/năm. Từ 3 năm nay với khẩu hiệu "Việt Nam, vùng đất của gạo ngon nhất thế giới" do Thương vụ Việt Nam tại Úc tạo ra nhằm khẳng định chất lượng của gạo Việt Nam, cùng với chiến lược "tạo cầu" đã giúp gạo Việt Nam có chỗ đứng tại Úc. Đây là cách tiếp cận thị trường bền vững, vì nếu đưa ngay vào kệ siêu thị lớn khi thị trường chưa nhận biết, cũng chỉ tồn tại được thời gian ngắn.