KINH TẾ

Giá vàng hôm nay 22/11, Gặp gió ngược vàng xuống đáy, lý do lạm phát khó cứu vàng?

Kỳ Văn

Giá vàng đã kết thúc một đợt tăng đột phá trong sắc đỏ, xuống đáy một tuần. Khởi đầu tuần mới, dù kỳ vọng tăng giá không còn mạnh mẽ như tuần trước, nhưng kỳ vọng vào xu hướng giá tăng vẫn áp đảo.

Giá vàng hôm nay 22/11, khởi động tuần mới từ mức giá 1.846 USD/ounce - thấp nhất kể từ ngày 10/11. (Nguồn: Kitco)

Cập nhật giá vàng hôm nay 22/11

Giá vàng hôm nay 22/11, khởi động tuần mới từ mức giá 1.846 USD/ounce - thấp nhất kể từ ngày 10/11, ghi nhận tại phiên giao dịch kết thúc tuần trước (ngày 19/11) trên sàn Kitco. Mức giá này đã tụt giảm khá xa so với đỉnh cao mà thị trường đã đạt được trong những ngày qua (mức cao nhất trong 5 tháng gần đây), giá vàng kỳ hạn tháng 12 giao dịch ở mức 1.849,5 USD/ounce, giảm 1% so với cuối tuần trước. Tuy nhiên, giá kim loại quý vẫn được kỳ vọng tăng trở lại do đang giữ trên mức hỗ trợ quan trọng.

Vẫn có tới 71% các nhà đầu tư Phố Wall đánh giá thị trường vàng sẽ tăng tích cực trong tuần tới. Tỷ lệ các nhà phân tích tin tưởng vào xu hướng này ít hơn, nhưng vẫn chiếm con số áp đảo, với 47% các nhà phân tích dự báo giá vàng tăng vào tuần tới, theo kết quả khảo sát thị trường vàng hàng tuần của Kitco News.

Nhiều người lạc quan về giá vàng khi áp lực lạm phát không chỉ ở Mỹ, mà trên toàn cầu tiếp tục gia tăng. Phần lớn tin rằng, lạm phát chưa thể biến mất, hay chỉ là nhất thời và vàng đang củng cố lại vùng hỗ trợ sau khi đã có bước tăng đột phá gần đây. Như Bill Baruch, Chủ tịch Blue Line Futures chia sẻ, tôi đang quan sát vùng 1.830 USD và vẫn chưa thấy nó xuất hiện. Miễn là vàng giữ trên mức đó, xu hướng vẫn rất lạc quan".

Biến động theo xu hướng thế giới, giá vàng trong nước đã giảm trở lại trong phiên cuối tuần qua, dù trước đó đã có nhiều phiên bật tăng mạnh mẽ không theo diễn biến của thị trường thế giới. Tại phiên giao dịch cuối tuần, giá điều chỉnh giảm sâu nhất từ 800.000 - 1,25 triệu đồng/lượng, tính chung tuần, giá vàng trong nước đã giảm trở lại 200.000 - 600.000 đồng/lượng. Tuần trước, giá vàng trong nước đã tăng khoảng 1,83 - 1,95 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC cập nhật tại các đơn vị kinh doanh lớn ở thời điểm chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (ngày 19/11), như sau:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 60,10 – 60,82 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 59,90 – 60,90 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 59,80 – 60,80 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 60,00 – 60,80 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 59,90 – 60,85 triệu đồng/lượng. Theo xu hướng chung của thị trường, các loại mặt hàng khác của thương hiệu này đều có sự điều chỉnh, giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 53,16 – 53,86 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 52,65 – 53,75 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới xuống đáy bởi lý do này?

Thị trường vàng thế giới tăng mạnh vào đầu tuần trước nhờ lo ngại về lạm phát thúc đẩy nhu cầu đối với kim loại quý, nhưng triển vọng các ngân hàng trung ương lớn nâng lãi suất sớm hơn dự kiến đã thúc đẩy đồng USD và khiến giá vàng giảm trở lại. Lạm phát và Fed hiện là hai chất xúc tác chính cho vàng, trong đó, một trong những lý do khiến giá vàng giảm mạnh được cho là bình luận và kêu gọi giảm hỗ trợ kinh tế của Thống đốc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Christopher Waller, khiến USD tăng giá. USDX đã lập tức tăng 0,5%, khiến vàng trở nên đắt đỏ với những người nắm giữ các tiền tệ khác.

Tất nhiên, vẫn có một số nhà phân tích nhìn thấy tiềm năng dài hạn của vàng, nhiều người cho rằng, việc củng cố lại ngưỡng hỗ trợ như hiện nay sẽ là tốt cho xu hướng tăng hiện tại. Là một trong những người dự báo giá vàng giảm trong tuần này, Nicholas Frappell, Tổng giám đốc toàn cầu tại ABC Bullion nêu lý do, "nếu giá vàng không tăng cao hơn và đóng cửa dưới 1.873 USD, những người chơi ngắn hạn có thể rời đi, đặc biệt là khi USD đang tìm thấy ngưỡng hỗ trợ".

Cùng quan điểm này, Marc Chandler, Giám đốc điều hành tại Bannockburn Global Forex, nhận định, USD mạnh hơn có thể tạo ra một "cơn gió ngược" cho vàng trong thời gian tới. Ông cho biết đang theo dõi mức hỗ trợ của vàng ở vùng 1.850 USD/ounce.

Cùng với lý do nhu cầu đối với vàng trang sức (chiếm khoảng 50% nhu cầu vàng toàn cầu) thường phục hồi dịp cuối năm, Will Rhind, nhà sáng lập kiêm CEO của GraniteShares (công ty đứng sau quỹ ETF vàng lớn thứ 5 thế giới) cũng dự đoán giá vàng tăng trong thời gian tới, bởi một lý do khác. Ông cho rằng, triển vọng của giá vàng rất sáng nhờ sự hỗ trợ của môi trường vĩ mô, đặc biệt là yếu tố lạm phát".

"Áp lực lạm phát kéo dài càng lâu thì rắc rối càng lớn và càng có nhiều người tìm kiếm các biện pháp phòng ngừa lạm phát. Nếu các quan chức ngân hàng trung ương chính thức thừa nhận, lạm phát là một vấn đề có thật, giá vàng sẽ còn tăng cho đến năm 2022".

Trong khi đó, Báo cáo mới đây của Capital Economics dự đoán, dù lạm phát vẫn đáng lo ngại, vàng có thể không tăng mạnh trong vài năm tới do Fed đang bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ.

Chuyên gia Kieran Tompkins viết trong Báo cáo, “Chúng tôi tin lạm phát của Mỹ sẽ tăng cao và kéo dài hơn so với dự đoán của thị trường… Song, việc Fed siết chặt chính sách có thể kéo lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng lên một chút. Điều đó có thể khiến giá vàng giảm xuống trong vài năm tới".

Theo kế hoạch, Fed sẽ bắt đầu siết chặt chính sách tiền tệ vào năm tới và khi đó lạm phát tại Mỹ chỉ đạt trung bình khoảng 3% trong hai năm 2022, 2023. Trong bối cảnh các nền kinh tế thế giới mở cửa trở lại, kết hợp cùng một chuỗi cung ứng bị đứt gãy nghiêm trọng, lạm phát đã bắt đầu tăng lên. Tại Mỹ, lạm phát giá tiêu dùng (tức chỉ số CPI) tháng 10 đã tăng mạnh 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, cũng là mức đỉnh 31 năm