16.400 tỷ đồng được giải ngân phục hồi phát triển kinh tế - xã hội

Admin
Tính đến hết tháng 3/2023, Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP) đã giải ngân được 16.400 tỷ đồng cho hơn 332.000 lượt khách hàng vay vốn nhằm phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Người dân giao dịch tại Ngân hàng Chính sách xã hội. (Nguồn: Báo đầu tư)
Người dân giao dịch tại Ngân hàng Chính sách xã hội. (Nguồn: Báo đầu tư)

Hoạt động trên được triển khai theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Trong đó, chương trình cho vay học sinh sinh viên mua máy tính và thiết bị học tập trực tuyến đạt 821 tỷ đồng để mua hơn 86.000 máy vi tính và thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; chương trình cho vay nhà ở xã hội đạt 4.381 tỷ đồng, hỗ trợ mua và xây dựng cho hơn 12.200 căn nhà; chương trình cho vay hỗ trợ việc làm đạt 10.000 tỷ đồng, với hơn 211.000 khách hàng được vay vốn tạo việc làm; chương trình cho vay các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập đạt 188 tỷ đồng, cho gần 2.600 cơ sở giáo dục được vay vốn.

Về hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã giải ngân số vốn vay các chương trình tín dụng chính sách đạt gần 114.000 tỷ đồng, cho trên 2.704.000 khách hàng; thực hiện hỗ trợ lãi suất với tổng số tiền là 1.347 tỷ đồng, trong đó số tiền đã cấp hỗ trợ lãi suất năm 2022 là 878 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất 3 tháng đầu năm 2023 là 469 tỷ đồng.

Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến giải ngân vốn tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2022-2023 thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 11 trong năm 2023, ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục quan tâm chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội nói chung, thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trọng tâm tăng cường huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội.

Các đơn vị trong hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tập trung tổ chức, triển khai cho vay đảm bảo hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng thụ hưởng, công khai, minh bạch, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận chính sách, đảm bảo tính khả thi của chính sách, sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ chương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành có liên quan tham mưu, đề xuất Chính phủ bố trí nguồn vốn để thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP cho giai đoạn 2024 - 2025 và thường xuyên rà soát, báo cáo Chính phủ để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Tính đến 31/3/2023, 4 tổ chức chính trị - xã hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai các chương trình tín dụng chính sách với dư nợ ủy thác đạt trên 290 nghìn tỷ đồng, chiếm 99,45%/tổng dư nợ. Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ chiếm 38,3%; Hội Nông dân chiếm 30%; Hội Cựu chiến binh chiếm 17,1% và Đoàn Thanh niên chiếm 14,6%.

Hoạt động ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục được duy trì ổn định, triển khai thực hiện tốt thông qua 10.437 điểm giao dịch xã, với 168.551 tổ tiết kiệm và vay vốn, đảm bảo an toàn, hiệu quả, kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.