Quảng Ninh quy hoạch khu đô thị có sân golf, công viên rừng trên khai trường than 4.200ha

Quảng Ninh sẽ chuyển đổi gần 4.200ha khai trường khai thác than hoàn nguyên để quy hoạch khu đô thị dịch vụ có sân golf, công viên rừng.

TínhTính chất của phân khu này là khu vực hoàn nguyên môi trường khai trường khai thác than sang chức năng dịch vụ đô thị. (Ảnh: Tiền Phong)

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 cho Phân khu 4 tại các phường Hà Lầm, Hà Trung, Hà Tu, Hà Phong, Hà Khánh thuộc TP.Hạ Long.

Theo đó, tính chất của phân khu này là khu vực hoàn nguyên môi trường khai trường khai thác than sang chức năng dịch vụ đô thị. Quy mô diện tích khoảng 4.197,16ha. Dân số hiện tại là khoảng 6.000 người và dân số quy hoạch đến năm 2040 là khoảng 16.000 người.

Về tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan, bố cục không gian kiến trúc toàn khu vực chia thành 3 không gian chính, gồm: Không gian ở; Không gian các khu vực sản xuất, chế biến, khai thác than; Không gian vùng cảnh quan đã hoàn nguyên phục hồi môi trường và vùng bảo tồn rừng ngập mặn.

Dựa trên cấu trúc đô thị và tiềm năng phát triển của từng khu vực, phân khu được chia thành 4 tiểu khu với định hướng cụ thể.

Trong đó, Tiểu khu IV-A (khu vực giáp Tỉnh lộ 336), diện tích hơn 748ha sẽ hoàn nguyên các khu vực khai thác than lộ thiên và bãi thải, hình thành các khu cây xanh chuyên đề, trung tâm thể dục thể thao, khu hỗn hợp bao gồm nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp và công nhân ngành than.

Tiểu khu IV-D (khu vực đồi núi phía Đông), diện tích hơn 2.000ha và dân số khoảng 1.500 người được quy hoạch thành các khu chức năng đô thị dịch vụ, như sân golf, công viên rừng, nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp ngành than. Tại đây, quy định chiều cao tối đa cho phép là 7 tầng, với mật độ xây dựng trung bình 10%.

Các mỏ than lộ thiên còn lại sẽ tiếp tục khai thác đến khi hết hạn giấy phép, sau đó được hoàn nguyên và phục hồi môi trường, tiến tới đóng cửa các mỏ trước năm 2030. Các khu vực khai trường và bãi thải sẽ được phủ xanh bằng rừng gỗ lớn, tạo cảnh quan chung cho khu vực.

An Nguyên (t/h)