Giá vật liệu xây dựng leo thang, giá nhà có đứng yên?

Theo nhận định của ông Lê Hoàng Châu, trong chi phí xây dựng thì chi phí vật liệu chiếm khoảng 60%. Do đó, khi giá vật liệu xây dựng tăng thì giá bất động sản đương nhiên sẽ tăng theo.

 
 
Doanh nghiệp BĐS sẽ ra sao khi giá vật liệu 'leo thang'? - Ảnh 1.

Giá vật liệu xây dựng tăng sẽ kéo theo giá bất động sản tăng. (Ảnh minh họa: Hoàng Huy).

Trong văn bản kiến nghị Chính phủ về giá thép xây dựng mới đây, Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC), nhà thầu xây dựng cả nước đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản do tình hình giá thép tăng đột biến trong quý I/2021, đặc biệt ở tháng 4. 

Cụ thể, giá thép phi 6 Việt Mỹ trong quý IV/2020 là 13.145 đồng/kg thì giá thép này ở Đà Nẵng (ghi nhận tại thời điểm tháng 4/2021) được bán 18.370 đồng/kg, tăng 40%. Trong khi đó, giá thép do Sở Xây dựng Đà Nẵng công bố với nhà thầu áp dụng thanh quyết toán cũng chỉ là 13.805 đồng/kg. 

VACC cho biết, tất cả các thương hiệu thép trong nước đều đồng loạt tăng giá từ 30% đến 40% so với quý IV/2020.

Tại Cà Mau, mới đây, đại diện hàng chục nhà thầu cho biết, trên thị trường, giá vật liệu xây dựng đã tăng quá cao: Cát tăng gấp 2,5 lần hoặc 3 lần so với giá dự toán; sắt thép và xăng dầu tăng gần gấp đôi; cấp phối đá dăm tăng gần gấp rưỡi,…

Thực tế, các nhà thầu xây dựng bị tác động trực tiếp bởi việc tăng giá vật liệu là hiển nhiên, song các doanh nghiệp bất động sản cũng sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng.

Giá vật liệu tác động trực tiếp đến giá bất động sản

Doanh nghiệp BĐS sẽ ra sao khi giá vật liệu 'leo thang'? - Ảnh 2.

Những yếu tố cấu thành nên giá BĐS theo nhận định của ông Lê Hoàng Châu. (Ảnh: Hoàng Huy).

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng, tình trạng tăng giá vật liệu xây dựng thời gian qua không phải diễn ra lần đầu tiên, mà đã từng xảy ra ở những giai đoạn 2008 - 2009 hay 2016 - 2017. 

"Những năm 2008 - 2009, khi doanh nghiệp lập dự toán chi phí vật liệu xây dựng thì thép phi 6, phi 8 chỉ rơi vào khoảng 8.000 - 9.000 đồng/kg. Tuy nhiên, con số này sau đó đã tăng lên gấp đôi, làm đội giá công trình, gây ra nhiều khó khăn cho cả chủ đầu tư lẫn nhà thầu xây dựng", Chủ tịch HoREA nói. 

Ông Châu cũng chỉ ra tác động của việc tăng giá vật liệu xây dựng lên giá thành nhà ở, bằng cách phân tích giá bán của một sản phẩm bất động sản. Công thức giá bán này bao gồm tổng của ba yếu tố: Giá thành xây dựng; chi phí bán hàng và lợi nhuận kỳ vọng.

Trong đó, giá thành xây dựng bất động sản được cấu thành bởi hai tiêu chí là chi phí về đất và chi phí về xây dựng. Chi phí về đất thường chiếm 15% đối với nhà chung cư, 30% đối với nhà phố và 50% đối với nhà biệt thự. Chi phí xây dựng (vật liệu, nhân công, lắp đặt thiết bị,...) thường chiếm khoảng 60% giá thành xây dựng của bất động sản.

"Trong chi phí xây dựng thì chi phí vật liệu lại chiếm khoảng 60%. Do đó, khi giá vật liệu xây dựng tăng thì giá bất động sản đương nhiên sẽ tăng theo", ông Châu nhận định.

Ai chịu ảnh hưởng nhiều nhất?

Nói thêm về ảnh hưởng của việc tăng giá vật liệu đối với các chủ đầu tư, ông Châu chia sẻ, điều này cũng phụ thuộc một phần vào các nhà thầu.

Đối với dự án mà chủ đầu tư giao cho nhà thầu thi công trọn gói thì việc tăng giá vật liệu sẽ tác động trực tiếp đến các nhà thầu xây dựng. Trường hợp nhà thầu có tâm, họ sẽ chịu lỗ để giữ uy tín thương hiệu. Trường hợp nhà thầu "bỏ của chạy lấy người", chấp nhận phạt hợp đồng thì nhà đầu tư sẽ là người ảnh hưởng trực tiếp. 

Bên cạnh đó, nếu trường hợp nhà thầu không có tâm, lựa chọn rút ruột công trình, giảm khối lượng vật tư theo dự toán, thì chất lượng của công trình là thứ bị ảnh hưởng, đồng nghĩa với uy tín và thương hiệu của chủ đầu tư đi xuống.

Đối với dự án chủ đầu tư tự lo khâu chuẩn bị vật liệu, chỉ giao cho nhà thầu thi công, vật liệu tăng giá sẽ kéo theo giá bán bất động sản tăng. Cuối cùng, người mua nhà là đối tượng phải chịu những chi phí này.

Doanh nghiệp BĐS sẽ ra sao khi giá vật liệu 'leo thang'? - Ảnh 3.

Nhiều nhà thầu xây dựng gặp khó khi giá vật liệu tăng cao. (Ảnh minh họa: Hoàng Huy).

Còn theo VACC, việc tăng giá thép khiến các nhà thầu xây dựng đều vấp phải khó khăn do các chủ đầu tư tư nhân đa số đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký (trừ trường hợp bất khả kháng).

Bản thân các doanh nghiệp xây dựng thay vì ngồi yên cũng đã chuẩn bị giải pháp cho riêng mình, bằng cách lên kế hoạch đàm phán với các nhà cung cấp chiến lược để có đơn giá tốt nhất, hay tìm kiếm các đối tác thầu phụ mới để tiết giảm chi phí.

Về phía doanh nghiệp bất động sản, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 diễn ra mới đây, ông Nguyễn Thanh Sơn, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG) cho biết, giá thép từ năm 2020 đến nay đã tăng gần 23 - 30%. Do đó, tùy theo tình hình và mức độ hấp thụ của thị trường, doanh nghiệp sẽ có điều chỉnh giá bán trong thời gian tới.

Ông Long cho rằng, trong cơn bão tăng giá vật liệu xây dựng, nhà đầu tư, nhà thầu, người mua nhà hay chính bản thân những công trình đều là những đối tượng có khả năng bị ảnh hưởng trực tiếp.

 
 

Khai Hoan Chu

Link nội dung: https://www.kinhtevadoisong.vn/gia-vat-lieu-xay-dung-leo-thang-gia-nha-co-dung-yen-a17988.html